Lợi nhuận Honda giảm mạnh do bê bối túi khí và mãi lực kém tại Nhật Bản

Lợi nhuận của Honda trong quý IV/2014 sụt giảm mạnh, nguyên nhân là do một loạt vấn đề, bao gồm các đợt thu hồi xe lỗi túi khí cũng như lượng tiêu thụ yếu ớt tại thị trường Nhật Bản.

Lợi nhuận Honda giảm mạnh
2002 Honda Civic sử dụng túi khí của nhà cung cấp Takata

 Hãng xe Nhật cho biết lợi nhuận ròng giảm 15% trong quý IV. Thông báo được đưa ra chỉ một ngày sau khi hãng cho biết đã nhận được báo cáo về hai tài xế thiệt mạng do các mảnh vỡ bắn ra từ túi khí bị lỗi.
 
Trong thời gian gần đây, hãng xe honda đã phải thu hồi hàng triệu phương tiện sử dụng túi khí của nhà cung cấp Takata. Honda không đưa ra con số chi tiết nhưng các nhà phân tích ước tính sự cố làm hãng thiệt hại khoảng 255 triệu USD. Trong khi đó, Honda chỉ nhắc đến “các chi phí liên quan đến chất lượng tại Bắc Mỹ” là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý IV/2014 sụt giảm mạnh.
 
Không riêng Honda mà một loạt “ông lớn” khác cũng bị ảnh hưởng bởi vấn đề túi khí, bao gồm BMW, Honda với tổng số xe bị thu hồi lên đến hơn 10 triệu xe. Bê bối đã gây cho Honda khá nhiều phiền phức. Hãng bị chính phủ Mỹ phạt vì không báo cáo các trường hợp tử vong và thương tích liên quan đến các xe bị lỗi, cũng như không kịp thời thu hồi các xe sử dụng túi khí của Takata. Mới đây, Honda cũng đã thông báo chấm dứt mối quan hệ làm ăn với Takata và chuyển sang nhà cung cấp khác.
 
Takata cho rằng chỉ những xe bán ở các thị trường có độ ẩm cao mới cần tiến hành sửa chữa. Tuy nhiên, Honda cùng một số hãng xe khác đã quyết định mở rộng phạm vi thu hồi. “Chúng tôi muốn cải thiện tỷ lệ sửa chữa các đợt thu hồi và nhanh chóng khắc phục sự cố”. CEO Tetsuo Iwamura cho biết.
 
Trong quý IV/2014, Honda đạt lợi nhuận 1,2 tỷ USD, giảm từ mức 1,4 tỷ USD so với cùng kỳ, “tệ” hơn ước tính của các nhà phân tích. Tuy nhiên, hãng dự đoán thu nhập ròng cho cả năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3 sẽ đạt 4,6 tỷ USD, giảm so với mục tiêu trước đó là 4,8 tỷ USD.
 
Cùng với vấn đề túi khí, Honda cũng bị tác động bởi nhu cầu yếu ớt ngay tại quê nhà. Lượng tiêu thụ xe moi nói chung đã rơi vào tình trạng “ảm đạm” kể từ khi chính phủ Nhật Bản tăng thuế bán hàng đầu năm ngoái. Hoạt động kinh doanh của hãng cũng có một số điểm tích cực, bao gồm lượng tiêu thụ xe máy tăng lên ở thị trường Đông Nam Á và sự suy yếu của đồng Yên. Mặc dù vậy, Iwamura cho biết lợi ích từ yếu tố ngoại hối không thể bù đắp được sự suy giảm về số xe bán ra và những chi phí liên quan đến vấn đề chất lượng dẫn đến việc hãng phải cắt giảm dự báo lợi nhuận cho cả năm.