Khi đã ‘tụt hậu thật’: Sẽ có còn ôtô trong giấc mơ Việt Nam?
Giấc mơ về chiếc ôtô của người Việt đang ngày càng xa rời, cho dù không hề thiếu các chiến lược được đặt ra.
Trên thế giới xưa nay người ta thường biết đến khái niệm Giấc mơ Mỹ (American Dream), một hình ảnh được các học giả Tây lan truyền rộng rãi trên thế giới kể từ sau Thế chiến thứ II, thể hiện những nét cơ bản của một cuộc sống bình thường, no đủ của những công dân Mỹ bình thường đang được tận hưởng. Đại để đó là một gia đình về mặt vật chất có nhà 5 phòng để ở và sinh hoạt, có các trang bị trong nhà như tivi, tủ lạnh, máy giặt, có ôtô đi làm và đi chơi... Toàn thể châu Âu cách đây hơn nửa thế kỷ, và sau đó nhiều nước khác trên thế giới, đã lấy đó làm mục tiêu phát triển của mình.
Gần đây hơn một số học giả Tàu có bàn tới khái niệm mới là Giấc mơ Trung Hoa phản ánh xu thế ngỡ là đang lên, khoảng vài năm trước, của nước Trung Quốc khổng lồ về đời sống và vai trò của họ trên thế giới. Trong giấc mơ đó, việc trong đời có ôtô cũng là một trong những điều kiện thiết yếu... Còn ở Việt Nam, khoảng 5 năm trước, cũng đã có một giấc mơ thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa sau năm 2020. Trong giấc mơ đó cũng có sự hiện diện của chiếc ôtô chở được cả một gia đình văn hóa mới, tam đại đồng đường... hãnh diện lăn bánh trên đường.
“Không phải nguy cơ tụt hậu mà là tụt hậu thật vì các nước xung quanh phát triển rất nhanh và xuất phát điểm của họ cũng cao hơn”
Vũ Đức Đam, (Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,7/2013)
|
Vậy nên từ lúc vào hè đến giờ, thị trường ôtô, được sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông, lan truyền đâu đó một thông điệp là lượng bán ôtô nhúc nhích đi lên. Và số liệu khẳng định rằng liên tiếp trong 5 tháng gần đây số xe bán ra tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này làm cho các hãng xe khấp khởi hy vọng cái đáy xấu nhất của thị trường, như trong năm 2012, đã qua rồi. Và đây đó đã le lói ánh sáng cuối đường hầm cho thị trường ôtô khi mà tháng 7, lượng xe của Hiệp hội các nhà lắp ráp ôtô Việt Nam (VAMA) bán chỉ giảm tí ti, khoảng vài chục chiếc, so với tháng trước. Dự báo sẽ có 112.000 ôtô sẽ được tiêu thụ ở Việt Nam trong năm nay, thấp hơn thời tốt đẹp chưa xa nhưng cũng đã cao hơn năm ngoái tới 15%. Còn các nhà quản lý thì khỏi phải nói: họ khát khao thấy các chính sách của mình tạo ra hiệu quả thực tế khi mà chiến lược công nghiệp hoá Việt Nam, với sự hợp tác của người Nhật, đã được Thủ tướng ký thông qua, phí trước bạ ở các tỉnh thành đã giảm về mức cũ và việc giảm các loại thuế đánh vào ôtô cũng đang được Bộ tài chính cân nhắc hết sức nghiêm túc…
Vậy còn cần gì nữa để thị trường ôtô Việt Nam có thể phục hồi?
Đã “tụt hậu thật” là lời nhận xét rất thẳng thắn của ông Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về tình hình phát triển đất nước hiện nay. Vậy khi túi tiền của người dân không nở được thêm ra, lạm phát vẫn cao ngút ngát thì giấc mơ của người Việt bình thường được sở hữu một chiếc ôtô có lẽ đã trở thành giấc mộng đêm cuối hè mất rồi.
|
Nhìn sâu hơn vào nền kinh tế chúng ta, có thể thấy rằng sự phát triển của đất nước từ lúc Đổi mới cho đến nay là nhờ vào các chính sách cho phép tận dụng tối đa 4 yếu tố: 1. lao động rẻ và dư thừa của khu vực nông thôn, 2. đầu tư tư nhân tăng cao, 3. nhận được nhiều hỗ trợ ODA và thu hút được nhiều FDI từ các quốc gia và các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế và, 4. những quy định và sự quản lý trên thực tế về môi trường khá là lỏng theo chuẩn quốc tế. Những lợi thế đó nay không còn nữa.
Đầu tiên là câu chuyện lao động. Có một sự thực là lao động Việt Nam rẻ không còn nữa. Ở đây không nên nhìn vào bảng lương khá phi lý của nhà nước khi quy định mức lương tối thiểu là 1.150.000 đồng/tháng, cái có lẽ phù hợp cho 70% cán bộ viên chức đang chơi không và làm việc dưới sức trong các cơ quan nhà nước, mà nên nhìn vào thực tế lương trên thị trường: đi làm osin lương 2,5 triệu cơm chủ nuôi, thợ xây dựng 6 triệu một tháng còn công nhân có tay nghề trong các khu công nghiệp phải hơn nữa hoặc cũng không kém. Mức lương này tuy không cao nhưng vẫn hơn mức lương ở một loạt các quốc gia khác trong khu vực và vẫn đang có xu hướng tiếp tục tăng.
Và cũng còn có một sự thực khác là lao động dôi dư ở nông thôn cũng không còn nữa. Chỉ cần đi về các vùng quê là thấy ngay ở đó chỉ còn rặt người già và trẻ em, thanh niên đã đi hết, chỉ ngày Tết hay khi có việc họ mới về làng. Còn tại các khu công nghiệp thì lao động đang là vấn đề căng thẳng, nhiều nơi vẫn treo biển tuyển người mà không sao có đủ số lao động cần thiết. Những ai có thể đi khỏi nông thôn và tách ly khỏi nông nghiệp, dài hạn hay theo kiểu con lắc, đều đã ra đi.
Trong khi đó, số lượng đầu tư tư nhân sụt giảm ở quy mô rất lớn suốt từ năm 2011 đến nay và có lẽ vẫn chưa dừng lại trong năm 2013 này, khi ý kiến đa số doanh nghiệp vẫn cho rằng năm nay còn khó khăn hơn năm trước. 6 tháng đầu năm 2013 này, theo thông tin của Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh, số lượng doanh nghiệp khó khăn phải ngừng hoạt động là 28.755, trong đó có 4.499 doanh nghiệp đã chính thức giải thể. Con số này tăng 1,8% so với 6 tháng cuối năm 2012 và tăng 10,54% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thực tế có lẽ còn bi đát hơn nhiều so với những gì mà Bộ Kế hoạch nắm được.
Đồng thời, số vốn đăng ký hoạt động của các doanh nghiệp mới thành lập trong 6 tháng đầu năm là 193,5 nghìn tỷ đồng với có sự sụt giảm lớn, 19,9% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tuy có tăng lên nhưng số vốn đăng ký giảm đi khiến cho quy mô hoạt động của doanh nghiệp nhỏ hẳn lại. Tín dụng cho vay của các ngân hàng, bất chấp các cố gắng cắt giảm lãi suất, gia tăng chậm chạp đến cuối tháng 7 chỉ đạt 5,15% so với cuối năm ngoái: không ai muốn vay vì vay nhiềù cũng chẳng để làm gì.
Ở góc độ khác, lượng vốn ODA và FDI, những cái đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam thời gian vừa qua, lại đang có sự suy giảm cũng nhanh chóng… Hỗ trợ ODA cho Việt Nam đang giảm dần là điều dễ hiểu vì khi Việt Nam đã đạt ngưỡng nước có mức thu nhập trung bình, dù còn rất thấp, viện trợ ODA đương nhiên phải giảm. Nhưng đầu tư FDI nước ngoài cũng suy giảm nhanh chỉ chứng tỏ một điều là môi trường kinh doanh của Việt Nam không còn là nơi đáng để các nhà kinh doanh nước ngoài đầu tư nữa. Còn đầu tư gián tiếp của nước ngoài thì miễn bàn vì sàn chứng khoán Việt Nam là cái gì đó mà giới kinh doanh không thể hiểu được: họ thua lỗ và đang bán tháo ra để chạy khỏi nơi đây.
Yếu tố cuối cùng, như là một phụ phẩm, là sự khai thác tận lực tài nguyên thiên nhên, khoáng sản và sự tàn phá môi trường, vô tình hay cố ý, cường độ cao trong quá trình phát triển. Chính sự lỏng lẻo trong quản lý môi trường khiến cho sự phát triển có thêm gia tốc. Nhưng nay thì với luật mới sắp được thông qua lần thứ 3 trong vòng 20 năm, lợi thế môi trường sẽ không còn nữa.
Như vậy, nhìn từ góc độ phát triển, khả năng tiếp tục theo như mô hình hiện nay của Việt Nam là đã đến giới hạn. Tức là, chúng ta cũng ở tình trạng giống Trung Quốc, đã “chạm vào Vạn Lý Trường Thành”, như nhà kinh tế được giải thưởng Nobel - Paul Krugman - nhận xét. Vì đã không còn nông dân dư thừa nữa và không thể phá hoại môi trường hơn nữa. Và cũng có nghĩa là thu nhập của người dân ít có cơ tăng thêm được nữa.
Nhìn từ góc độ khác, túi tiền của người dân, có thể thấy mô hình phát triển hiện nay tận thu của người dân quá nhiều. Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 do Uỷ ban Kinh tế Quốc hội chủ trì, công bố đúng một năm trước, ngày 4/9/2012, cho biết: Tăng trưởng kinh tế kiểu Việt Nam là nguyên nhân của bất ổn vĩ mô kéo dài. Tỷ lệ phí và thuế trên GDP cao gấp 1,4-3 lần các nước khác trong khu vực ngoài việc chịu thuế lạm phát hàng năm 2 con số: 26,3%. Trong khi Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan 17,3%, Indonesia 12,1% và Ấn Độ 7,8%. Trong giai đoạn 2007-2011, tổng thu ngân sách nhà nước từ thuế và phí chiếm hơn 20% GDP. Tỷ lệ chi thường xuyên trong ngân sách nhà nước tăng dần qua các năm: 63,2/2003; 71,7/2010 và 75,4/2011. Thắt chặt chi tiêu nhưng tiêu dùng chính phủ vẫn tăng.
Sự phát triển của thị trường ôtô Việt Nam trong thời gian sắp tới, điều chúng ta hằng mong mỏi, tuỳ thuộc trước hết vào mô hình phát triển kinh tế mà Việt Nam theo đuổi. Sẽ chẳng thể nào có sự gia tăng nhanh sức mua ôtô, nếu kinh tế cứ phát triển lẹt đẹt ở mức 5% và người dân cứ phải móc tiền đóng thuế để chi cho một nền hành chính chi tiêu quá tốn kém.và rất ít hiệu quả. Và mùa bán ôtô bắt đầu từ tháng 9 này, như thông lệ, cũng sẽ khó có cơ khởi phát mạnh mẽ được.
Hai, ba, bốn là những con số vốn đã từng là mục tiêu phấn đấu của giới trẻ Việt Nam theo nghĩa ở đời cần có hai con, ngôi nhà ba tầng và cái xe bốn bánh. Con thì nếu chồng không liệt dương, vợ không điếc thì muốn có bao nhiêu mà chẳng được. Nhà ba tầng ở phố mà bố không làm to, chỉ đi làm cật lực thì nay là điều không thể. Chỉ còn cái ôtô nếu không sang trọng hàng hiệu, thì là hàng Hàn Quốc, trước là điều có thể mơ đến, nay có lẽ đã là điều không nên mơ đến nữa.
Đã “tụt hậu thật” là lời nhận xét rất thẳng thắn của ông Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về tình hình phát triển đất nước hiện nay. Vậy thì khi mà túi tiền của người dân không nở được thêm ra, lạm phát vẫn cao ngút ngát thì giấc mơ của người Việt bình thường được sở hữu một chiếc ôtô có lẽ đã trở thành giấc mộng đêm cuối hè mất rồi.
