Indonesia giành nốt đầu tư ASEAN với cơn bão ôtô giá rẻ

Tại Triển lãm ôtô quốc tế Indonesia (19-29/9), Honda vừa ra mắt mẫu xe đa dụng giá rẻ Mobilio, 7 chỗ có giá chỉ 13.000USD. Đây là sản phẩm tiếp nối trong trào lưu sản xuất ôtô Nhật giá rẻ đang bùng nổ ở Indo, trong đó có những xe giá chỉ 7.000USD, tức là đắt bằng một chiếc xe máy ở Việt Nam.

Honda đã thêm một sản phẩm đánh dấu sự tham gia rất tích cực của hãng xe Nhật trong phân khúc này. Chiếc Mobilio được thiết kế dựa trên mẫu Brio và sẽ được sản xuất hàng loạt tại Indonesia từ tháng 1 năm sau để dành riêng cho thị trường châu Á. Các đối thủ của chiếc MPV giá rẻ này trong phân khúc sẽ là Toyota Avanza, Daihatsu Xinia, Suzuki Ertiga và Chevrolet Spin.
 
Sở dĩ các hãng xe Nhật đang rất hào hứng với xu hướng sản xuất dòng xe này, bởi Indonesia đang thực sự tạo ra môi trường kinh doanh rất có lợi cho các nhà sản xuất xe hơi. Hồi tháng 5, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã quyết định miễn thuế cho dòng xe thuộc nhóm LCGC (low-cost, green cars), gồm các loại xe giá rẻ, xe điện, hybrid, xe dùng nhiên liệu sinh học và khí nén thiên nhiên. Cũng theo quy định, xe LCGC phải được lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa 80%.
 
Trong danh mục LCGC cũng được nhóm riêng một dòng sản phẩm gọi dưới cái tên "Xe chiến lược". Người Indonesia không cố bới móc ra chi tiết về kiểu dáng hay số ghế, phân hạng xe để quy cho nó vào bảng “vàng” xe chiến lược, giống như các chuyên gia ở Việt Nam vẫn còn đang suy ngẫm. Họ làm rất đơn giản là “mở” về mặt nhu cầu lợi ích với người tiêu dùng tùy theo mục đích sử dụng ở nông thôn hay thành thị, nhà sản xuất, hoạch định chính sách, bảo vệ môi trường v.v.. Chính phủ Indonesia chỉ đề ra vài quy chuẩn bắt buộc như: Giá từ 4.400 đến 7.400USD; Mức tiêu thụ nhiên liệu cao nhất là 5 lít cho 100 km; Và tỷ lệ nội địa hóa bắt buộc là 60%.
 
Như vậy với một chính sách đơn giản, chính phủ Indonesia đã sẵn sàng thiết lập cho đất nước họ một lợi thế khác biệt, cũng như cơ hội cho cả các nhà sản xuất ôtô trong ngoài nước. Một thị trường với hệ thống xe thân thiện môi trường, chi phí thấp, nội địa hóa mạnh.
 
Nếu xét kỹ, thấy rằng cũng không phải tự dưng Indo lại “mở” thoáng đến vậy. Một phần của việc Indo cởi mở với ý tưởng chương trình xe xanh là hiện doanh số nội địa đang tăng vọt (gần vượt 1 triệu xe/năm), nạn tắc đường cũng là vấn nạn, khả năng cạnh tranh với Thái Lan và Malaysia trong ngành ôtô ngày một khó… Và trong đà phát triển kinh tế chung, không thể không phát triển ngành công nghiệp ôtô và các sản phẩm giao thông tiện dụng. Đó là yếu tố bắt buộc phải mở rộng rồi quản lý cho khéo, chứ không phải “không quản được thì cấm”.. Và để khuyến khích các hãng xe tham gia dự án này, chính phủ sẵn sàng hỗ trợ như miễn giảm thuế, mở cơ chế hành chính v.v.. Những nguyên nhân chính khiến giá xe thấp.
 
Vì vậy rất nhanh chóng các hãng xe đua nhau ra mắt sản phẩm đáp ứng tiêu chí "Xe chiến lược". Triển lãm ôtô IIMS 2013 đã thể hiện rõ điều đó với Toyota, Nissan, Daihatsu, Honda, Suzuki… “Ông lớn” Toyota ngay lập tức tung ra chiếc Agya từ trước với mức giá khởi điểm chỉ 8.700USD. Còn Nissan trình làng sản phẩm thuộc thương hiệu con là Datsun, chiếc Go với phiên bản 5 chỗ và 7 chỗ. Cả hai đều sản xuất tại Indonesia, trang bị động cơ 1,2 lít và giá bán cũng dưới 8.900 USD. Suzuki cũng ra mắt sản phẩm giá rẻ cho thị trường Indonesia với tên gọi Karimun Wagon R cùng giá bán dự kiến chưa tới 8.900USD.
 
Nissan cho biết, họ lên kế hoạch tăng năng suất tại Indonesia gần gấp 3, lên 250.000 xe vào năm 2016. Riêng Honda cũng đã ra mắt mẫu Brio với giá bán từ 9.400 USD từ năm ngoái. Nay họ lại tung tiếp chiếc MPV 7 chỗ Mobilio, bán giá từ 13.000 đến 15.700USD. Chiếc xe 7 chỗ “bổ rẻ” này có độ dài 4,4m, gầm 185mm (cao hơn 15mm so với Honda CR-V), động cơ 1.5L i-VTEC 4 xi-lanh cho công suất 118 mã lực và mô-men xoắn 141 Nm, hộp số sàn 5 cấp hoặc hộp số vô cấp CVT. Honda cũng tiết lộ rằng nó vẫn có các tính năng an toàn như chống bó cứng phanh và phân bổ lực phanh điện tử, túi khí đôi SRS cho hàng ghế trước..!?
 
Ngoài ra, thị trường Indonesia còn có những sản phẩm giá rẻ khác như Kia Morning với động cơ dung tích 1.000 phân khối hay Tata Nano. Nhưng có một đặc điểm chung là tất cả chúng đều được khởi động sản xuất trong những nhà máy được đầu tư xây mới trị giá lên tới hàng trăm triệu đô trên đất Indonesia. Các hãng xe Nhật đã công bố cam kết sản xuất khoảng 500.000 xe LCGC mỗi năm với tổng gói đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD ngay sau khi chính phủ đồng ý với chiến lược này.
 
Vậy nhìn lại tổng thể thị trường khu vực, người Thái đã giành được gói đầu tư cho dòng xe cao cấp, làm trung tâm sản xuất và xuất khẩu xe cho các hãng lớn. Người Mã thì sau 3 thập kỉ ngồi ôm khư khư “mộng” ôtô nội với đủ các cơ chế độc đoán ủn lưng mấy thương hiệu ôtô “đất nước” dấm dớ cũng đã nhận ra sai lầm 3 năm nay, họ đã dẹp ôtô “nhà” sang bên và biến Malaysia thành một thị trường tiêu thụ xe hơi “chất lượng cao” bất kể là nhập hay sản xuất liên doanh. Các hãng xe lại liên tục đổ tiền xây showroom, đầu tư nhà máy v.v. để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ khoảng 700.000 xe/năm tại đây. Còn mỗi thị phần xe giá rẻ, thì giờ đây người Indonesia đã “ngoạm” nốt. Hỏi rằng người Việt còn họp bàn chiến lược cho ngành công nghiệp ôtô làm gì nữa, mất thì giờ!
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn