Ford Motor đã hồi sinh nhờ Alan Mulally ra sao (3)
Alan Mulally đã thành công trong kế hoạch giải cứu Ford, thậm chí không cần tới sự trợ giúp của chính phủ Mỹ, trong khi GM và Chrysler chấp nhận nộp đơn phá sản.
CEO Ford Alan Mulally đứng bên cạnh mẫu xe F-150
Từ chối sự giúp đỡ của Chính phủ
Ngày 18 và 19/11/2008, CEO Mulally cùng những người đứng đầu của General Motors (GM), Chrysler và UAW điều trần trước các ủy ban Quốc hội Mỹ có nhiệm vụ đánh giá yêu cầu được nhận cứu trợ. Hãng xe Ford đã ở bên bờ vực phá sản, song kế hoạch mới của Mulally đang phát huy hiệu quả. Nếu ông và êkíp của mình có thể đứng vững thêm một thời gian, Mulally tin chắc họ có thể giúp Ford thu lợi nhuận. Tuy nhiên, dưới mắt các nghị sĩ, cả 3 đều có nguy cơ như nhau.
Một ngày sau đó, trở lại Dearborn, Mulally triệu tập ban lãnh đạo, cùng xem xét lại tình trạng công ty. Trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng, các số liệu kinh doanh vẫn rất thất vọng. Nhìn chung, doanh số bán của ngành công nghiệp ôtô đã giảm mạnh ở Bắc Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ xe của Ford ở cả hai thị trường này không giảm mạnh như các đối thủ cạnh tranh.
Tại Mỹ, mẫu pick-up F-150 mới cuối cùng cũng hiện diện ở các showroom và nhu cầu mua bất ngờ tăng vọt. Kinh tế tiếp tục sa sút, song với Ford, điều này dường như không tác động tới khách hàng mua xe bán tải. Tại châu Âu, chiếc subcompact mới Ford Fiesta cũng có khởi đầu mạnh mẽ. Xe có hình thức đẹp, cảm giác lái thú vị và 1 gallon (3,78 lít) có thể chạy tới 40 dặm (64km). Như thế vẫn chưa đủ. Tổng doanh thu vẫn giảm mạnh. Nhưng thành công ban đầu của các sản phẩm này cho thấy chiến lược của Mulally về cơ bản là đúng đắn. Bằng cách tiếp tục đầu tư vào các dòng xe mới trong khi các hãng khác cắt giảm chi phí, Ford đã đi trước các đối thủ cạnh tranh.
Liệu chúng ta có thể vượt qua khủng hoảng mà không cần tới sự trợ giúp của Chính phủ, Mulally đặt câu hỏi. Sự im lặng bao trùm. Một khi Washington sẵn sàng viết séc, có điên mới không nhận. Nhưng nếu có thể tự vượt khủng hoảng, Ford sẽ tạo ra hình ảnh mới đẹp đẽ, bỏ lại sau lưng những năm tháng gây thất vọng với các sản phẩm kém chất lượng và những lời hứa không được thực hiện. “Đây là thời khắc có thể chia rẽ Ford”, Giám đốc marketing Jim Farley nói. “Đây là thời khắc có thể khiến chúng ta bị chia tách”. GM và Chrysler đã lựa chọn cách đệ đơn phá sản. Nhưng Ford vẫn còn vài điểm tựa, Giám đốc tài chính Lewis Booth cho biết.
Việc cắt giảm chi phí đã cho thấy hiệu quả. Ford vẫn còn 11 tỷ USD trong tài khoản, chừng nào chưa đụng đến nó các nhà đầu tư sẽ vẫn còn niềm tin. Việc Ford không hề thu hẹp qui mô đầu tư vào các mẫu xe mới cũng đã tạo cho công ty một lợi thế mà GM và Chrysler không có. Bán Volvo sẽ mang lại một khoản tiền nhất định. Và UAW sẵn sàng đàm phán các điều khoản mới, thậm chí còn có thể cho vay một số tiền từ quỹ tín thác của họ.
Vào lúc đã xem xét hết các lợi thế, Mulally cười rạng rỡ. “Chúng ta sẽ tìm ra cách vượt qua cơn bĩ cực này bằng chính khả năng của mình”, ông nói. “Tôi tin vào các bạn, tin vào kế hoạch của chúng ta. Và tôi tin chắc đây là lựa chọn đúng đắn”.
Từ thời điểm này, trong hơn một năm, đến cuối 2010, Mulally và êkíp của ông đã không chỉ cứu Ford mà còn biến nó thành nhà sản xuất ôtô đạt lợi nhuận cao nhất trên thế giới. Cuối tháng 1/2012, kết quả kinh doanh cho thấy Ford đã có quý 11 liên tiếp đạt lợi nhuận, với doanh thu ròng 13,6 tỷ USD. Tính cả năm 2011, lợi nhuận trước thuế của Ford là 8,8 tỷ USD, hoặc 1,51 USD trên mỗi cổ phiếu, và tăng 463 triệu USD so với năm 2010.
Thay lời kết:
Alan Mulally được xưng tụng như “anh hùng” hay “điều kỳ diệu của Ford”, được thừa nhận là “một trong những nhà điều hành giỏi nhất ngành công nghiệp ôtô trong thế hệ”. Thậm chí, tháng 3 vừa qua, tạp chí Fortune còn chọn ông là nhà lãnh đạo giỏi thứ ba thé giới, sau Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Sau 8 năm ở cùng Ford, sắp tới Mulally liệu sẽ tìm kiếm thách thức ở đâu? Còn với Ford, lúc này là thời điểm lo lắng về một cuộc chuyển giao êm đẹp, nhưng việc quan trọng nhất sẽ là làm thế nào để lấp đầy khoảng trống quá lớn Mulally để lại. Bill Ford, Chủ tịch hiện nay, quá rõ điều đó vì chính ông đã thất bại khi sa thải và thay thế Jacques Nasser ở vai trò CEO vào năm 2001.
Hết.
