Ngay sau khi đồng ý gia nhập, Alan Mulally lập tức vẽ ra kế hoạch đưa Ford ra khỏi vòng xoáy khủng hoảng, trong đó ấn tượng nhất phải kể đến nỗ lực thuyết phục nghiệp đoàn về việc khôi phục sản xuất ôtô tại Mỹ.
Từ trái sang: Bob King, Phó chủ tịch UAW, Ron Gettelfinger, Chủ tịch UAW, Bill Ford và Alan Mulally
Cơ hội lớn
Tối đó, Bill và Lisa đưa Mulally tới ăn tối ở một nhà hàng Pháp. Mulally ấn tượng về món ăn, cách đối xử như với một quý độc dành cho khách của hãng xe Ford, và càng ấn tượng với việc Bill Ford, người có trong tay cả một đội tài xế, vẫn tự lái xe đưa ông tới nhà hàng. Hầu hết mọi người nhận ra Ford và rất nhiều người đã ghé qua bàn để chào hỏi. Suốt buổi tối, Ford đã lo lắng suốt về việc có ai đó nhận ra Mulally nhưng cuối cùng cũng vững tin rằng đây là người có thể cứu công ty của ông. Mulally rõ ràng đây là một nhà lãnh đạo bẩm sinh với uy tín có thể truyền cảm hứng cho Ford. Mulally đã được thử thách ở Boeing và đã thành công. Và khi Mulally đi ra ngoài, Lisa Ford nghiêng sang phía chồng thì thầm: "Ông ấy có vẻ quá tuyệt”. Bill trả lời: “Tôi biết!” bởi ông chăc chắn đã tìm đúng người.
Mulally cũng hoàn toàn bị thuyết phục. Ông không còn vấp khi nói “chúng ta” và nhận ra trên đường toàn xe Ford khi được đưa trở về khách sạn. 2 người đàn ông nắm chặt tay nhau. Ford hỏi Mulally liệu có muốn tiếp tục bàn bạc. “Tôi muốn”, Mulally nhiệt thành nói. Ford đề nghị Mulally gặp các thành viên chủ chốt, nói rằng người phụ trách nhân sự Joe Laymon sẽ tiếp tục công việc với Mulally nhưng cũng đưa ra số điện thoại cá nhân. “Hãy gọi tôi nếu cần”, Ford nói.
Với Mulally, khi quay trở về khách sạn, ông cảm thấy phấn chấn. Ông ngồi xuống bàn, lấy một tờ giấy trắng và viết lên đó mọi thứ ông có thể ghi nhớ về chuyến đi tới Michigan. Nhiệt độ đang là 95 độ F. Đây không phải Seattle (nơi có trụ sở Boeing, ở phía Tây nước Mỹ, trong khi Michigan ở phía Đông). Rồi về gia đình Ford: "Bill, Lisa...những đứa trẻ đáng yêu... hai chú chó... một gia sư". Tiếp đến là khu dinh thự: "Ngôi nhà đẹp... hai câu chuyện... gỗ sơn... cổng... khu rừng". Và cuộc sống: "Những quý tộc Detroit... tự lái xe... chơi thể thao với bọn trẻ". Và ông chuyển tới công ty: “Cổ phiếu giá 6 USD”. Mulally ghi chú. “Cơ hội lớn”.
Made in USA
Tháng 5/2007, sau khi có được nguồn tài chính cho kế hoạch cải tổ và nhận được sự ủng hộ của đại gia đình Ford, CEO Alan Mulally chuyển trọng tâm sang thuyết phục Nghiệp đoàn công nhân ngành ô tô (UAW). Ngày 11/5/2007, Mulally tổ chức một cuộc họp bí mật với Chủ tịch UAW Ron Gettelfinger và Phó Chủ tịch Bob King tại khách sạn Dearborn Inn. Nơi đây, ông đã phác thảo kế hoạch để một lần nữa biến Mỹ thành điểm đi đầu về chế tạo. Cuộc gặp còn có Giám đốc tài chính Don Leclair, Phó TGĐ phụ trách nhân lực Joe Laymon, người phụ trách mối quan hệ với lao động tại Mỹ Marty Mulloy, và Joe Hinrichs, mới được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch mảng sản xuất ở Bắc Mỹ.
Phía trên tờ giấy trắng đầu tiên, Mulally viết: "Thế giới của chúng ta”. Bên dưới, ông vẽ một biểu đồ đánh dấu sự xuống dốc của nhóm Big Three Detroit và sự trỗi dậy của các hãng xe Nhật. Mulally nói: "Cả 3 công ty Mỹ đã thua lỗ trong nhiều thập kỷ. Khi cả 3 phá sản, UAW cũng sẽ chìm xuồng. Chúng ta phải giải quyết thực tế này”. Đó chẳng phải điều mới với Gettelfinger hay King. Câu hỏi duy nhất là phải làm gì và Mulally đưa ra ý tưởng.
Ông vẽ 3 vòng tròn giao nhau, trong có ghi “Khách hàng”, “Đại lý” và “Ford”. Sau đó, ông viết từ "UAW" bên dưới tên hãng. Đây là những bên liên quan, Mulally giải thích. Tất cả đều có lợi từ thành công của Ford, và tất cả sẽ mất mát nếu Ford thất bại. Mulally vẽ 3 vòng tròn nữa, trong đó ghi “Sản phẩm”, “Sản xuất”, và “Nhân lực”. Phía dưới chữ “Nhân lực”, ông lại viết “UAW”. Đây, ông nói, là những đòn bẩy Ford có thể sử dụng để chuyển đổi thành một doanh nghiệp mạnh. Bên dưới 2 sơ đồ, Mulally vẽ ra đồ thị về tình hình kinh doanh, trong đó chỉ ra rằng chưa đầy 2 năm tới, năm 2009, Ford sẽ lỗ 4 tỷ USD. Nếu không thể tìm ra lối thoát, đó sẽ là lúc chấm dứt mọi hy vọng.
Gettelfinger và King phàn nàn rằng Ford đầu tư quá nhiều vào các thương hiệu nước ngoài làm ăn bết bát. “Sao không bắt đầu từ đó?”, Mulally mỉm cười. và viết chữ cái đầu của mỗi thương hiệu phần dưới tờ giấy, bắt đầu với "F" cho Ford, "L" cho Lincoln, "M" cho Mercury, “J” cho Jaguar, “LR” cho Land Rover, “V” cho Volvo, "AM" cho Aston Martin, và "M" khác cho Mazda. Rồi ông gạch ngang tất cả, ngoại trừ “F” và “L”. Các lãnh đạo nghiệp đoàn sững sờ.
“Đây là kế hoạch của chúng ta”, Mulally nói. “Chúng ta sẽ làm như thế để đầu tư vào Ford”. Câu hỏi duy nhất là đầu tư thế nào. Bóng trở lại chân UAW. Hiện gần như mọi mẫu xe ô tô sản xuất tại Mỹ đều bị lỗ. Có thể để mặc mọi sự và đi đến phá sản, hoặc bán các công ty con rồi xây các nhà máy ở Mexico, nơi chi phí sản xuất thấp hơn.
“Các ông sẽ làm thế nào”, Mulally hỏi. Gettelfinger và King không trả lời.
Mulally đưa ra lựa chọn thứ ba. Với hợp đồng phù hợp, Ford có thể chế tạo xe sinh lời ngay tại đây, tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. “Nếu tăng được sức cạnh tranh, chúng ta có thể tăng trưởng và tạo ra việc làm cho công nhân”. Mulally bước lại gần, nhìn vào mắt Gettelfinger. “Chúng ta muốn chứng tỏ rằng chúng ta có thể làm điều đó ở Mỹ”, ông nói một cách long trọng. “Ron, ông có đứng cùng tôi? Chúng ta sẽ cùng làm điều này. Chúng ta sẽ đủ sức chế tạo xe hơi tại Mỹ, thu lời và thành công. Bằng không, chúng ta sẽ ra ngoài kia và nói với mọi người việc này là quá khó. Điều này phụ thuộc vào các ngài”.
Gettelfinger trả lời không ngần ngại: "Chúng tôi đồng ý".