Đòi áp thuế nhập khẩu cả xe của Việt kiều hồi hương

Cục Hải quan TP.HCM đang đề nghị thu thuế nhập khẩu đối với ôtô, xe máy là tài sản mà người Việt mang theo khi chọn cách về quê nhà định cư.

Ngày 13/4, Cục Hải quan TP.HCM đã có công văn đề nghị Tổng Cục Hải quan Việt Nam kiến nghị với Bộ Tài chính áp thuế nhập khẩu với xe Việt kiều hồi hương.
 
Theo ý kiến của Cục Hải quan TP.HCM, thời gian gần đây, kể từ khi Thông tư 20 của Bộ Công thương (yêu cầu nhà nhập khẩu phải có giấy ủy quyền của chính hãng) được áp dụng, đã khiến việc nhập xe theo hợp đồng thương mại rất hạn chế. “Trong khi đó việc nhập khẩu xe ôtô đang sử dụng theo chế độ tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương tăng nhiều do không bị điều chỉnh bởi Thông tư 20/2011/TT-BTC”, công văn viết.
 
Giải thích đề nghị áp thuế với xe của Việt kiều, công văn của Cục Hải quan TP.HCM nêu rõ là nhằm “quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu ôtô, xe gắn máy 2 bánh đang sử dụng theo chế độ tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương cũng như tạo thêm nguồn thu ngân sách cho nhà nước”.
 
Trên thực tế, không ít xe bán tại các showroom hiện nay là xe nhập khẩu theo dạng Việt kiều hồi hương. Các xe này được Chính phủ Việt Nam miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT, chỉ phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt, cộng thêm thuế trước bạ và một số phí phát sinh khi đi đăng ký.
 
Tùy thuộc vào việc đó là xe gì, số tiền chênh lệch so với xe nhập bình thường có thể lên tới vài chục nghìn USD. Lấy ví dụ một chiếc Camry 2012, động cơ 2,5 lít bán tại Mỹ bản cơ sở có giá 22.000 USD. Nếu nhập theo kiểu thông thường, về đến Việt Nam giá xe là hơn 74.000 USD (sau khi đã nộp 82% thuế nhập khẩu, 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và 10% thuế VAT). Còn nếu nhập theo con đường Việt kiều hồi hương, giá xe về đến Việt Nam chỉ là 33.000 USD (do chỉ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, và mức thuế này cũng giảm rất nhiều vì không bị đánh chồng lên thuế nhập khẩu).
 
Khoản chênh lệch này chính là động cơ của việc các công ty kinh doanh bắt tay với một số Việt kiều nhập ôtô về bán. Tuy nhiên, việc nhập khẩu xe theo con đường Việt kiều hồi hương cũng rất nhiêu khê. Đầu tiên, đó phải là ôtô đang sử dụng, đăng ký theo tên Việt kiều khi ở nước ngoài. Tiếp đó, chủ xe phải làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng, rồi lại phải làm hồ sơ thủ tục nhập khẩu xe đã qua sử dụng. Và quan trọng nhất, mỗi người chỉ được nhập đúng 1 chiếc ôtô.
 
Cứ lấy đó mà suy, số lượng xe nhập về theo đường Việt kiều hồi hương không nhiều. Ngoài ra, nếu chiếc xe được mang ra bán và làm thủ tục sang tên, chủ mới của xe sẽ phải nộp bổ sung các loại thuế mà Việt kiều được miễn, trừ phi chấp nhận đi xe không chính chủ. Cũng đúng là có hiện tượng một Việt kiều đứng tên nhiều xe khác nhau, giúp các công ty nhập khẩu và chính mình kiếm lời. Tuy nhiên, khi đó, trách nhiệm của Hải quan là phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện, ngăn chặn và xử lý việc làm trái luật này.
 
Nhưng thay vì thực hiện cho đúng chức năng của mình, Hải quan TP.HCM lại đang đánh đồng tất cả các Việt kiều bằng công văn nêu trên, đi ngược lại chính sách của Nhà nước khuyến khích đối tượng này về Việt Nam sinh sống và làm ăn. Cách làm việc lười biếng ấy chỉ thêm một lần nhấn mạnh sự tắc trách, chỉ ra lối suy nghĩ hạn hẹp, đồng thời còn cho thấy trình độ phối hợp kém cỏi giữa các cơ quan công quyền, hoặc cũng có thể còn có cả yếu tố cố giữ độc quyền không chịu chia sẻ quyền lực trong lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng vào bậc nhất này.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn