Các hãng ôtô đặt cược vào dịch vụ chia sẻ xe
Dịch vụ chia sẻ xe (ridesharing) đang ngày càng bùng nổ và cạnh tranh hơn khi hàng loạt các hãng xe lớn như GM, Toyota và VW đều đã công bố những kế hoạch đầu tư nhằm “khai phá” thị trường taxi trực tuyến. Sự hợp tác giữa các nhà sản xuất ô tô với công ty chuyên cung cấp dịch vụ chia sẻ xe được coi là một bước tiến quan trọng trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô thế giới.
Các hãng xe hơi đang đẩy mạnh đầu tư vào dịch vụ chia sẻ xe như Uber
Năm 2016 được coi là một năm ghi dấu cột mốc quan trọng khi các hãng xe hơi “bắt tay” cùng những công ty chia sẻ xe nhằm mang đến sự thay đổi cơ bản trong cách người tiêu dùng tiếp cận với phương tiện giao thông cá nhân. Một số hãng xe kỳ vọng mối quan hệ của họ với các lái xe sẽ sớm thay đổi, đặc biệt là tại các thành phố lớn – nơi giao thông đô thị ngày càng trở nên ngột ngạt. Một số hãng xe khác lại tin rằng số lượng người mua xe hơi sẽ giảm dần khi ùn tắc giao thông gia tăng và các dịch vụ chia sẻ xe như Uber ngày càng phát triển. Cùng với đó là dòng xe ô tô tự lái cũng đang ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề sở hữu xe cá nhân.
Mặc dù ngành công nghiệp ô tô thế giới đã “kết duyên” cùng dịch vụ chia sẻ xe được vài năm, song ba hãng sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới mới chỉ công bố những khoản đầu tư quan trọng vào thị trường mới nổi này những tháng gần đây. Cụ thể, hồi đầu tháng 1/2016, “đại gia” xe hơi Mỹ General Motors (GM) đã quyết định rót vốn đầu tư 500 triệu USD vào hãng chia sẻ xe Lyft – đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Uber. Động thái này của GM không đơn thuần chỉ là đầu tư vì lợi nhuận. Hiện Lyft và GM đang hợp tác để phát triển hệ thống xe tự lái của GM có thể chạy ứng dụng của Lyft hay việc cho các tài xế Lyft thuê xe GM trong ngắn hạn. Theo Chủ tịch GM Dan Ammann, con người ngày nay có nhiều lựa chọn hơn cho việc di chuyển hơn và nếu muốn đi bằng ô tô họ cũng không cần thiết phải “tậu” nguyên một chiếc xế hộp.
Dịch vụ chia sẻ xe là thị trường đầy tiềm năng phát triển
Nằm trong chuỗi kế hoạch biến những đối thủ tiềm năng thành đối tác, hai “ông lớn” Volkswagen và Toyota cũng vừa có những động thái rõ ràng khi mạnh tay đầu tư vào các công ty dịch vụ chia sẻ xe. Theo đó, trong thông báo đưa ra hôm 24/5, Toyota tuyên bố thành lập mối quan hệ hợp đối tác với công ty Uber chuyên cung cấp dịch vụ taxi theo yêu cầu đang rất được lòng khách hàng. Cùng ngày, hãng sản xuất ô tô Đức Volkswagen cũng công bố khoản đầu tư chiến lược 300 triệu USD vào Gett, một đối thủ cạnh tranh của Uber.
Động thái đầu tư vào Gett của Volkswagen là một nỗ lực nhằm thúc đẩy các dịch vụ xe hơi linh hoạt cũng như vượt qua vụ bê bối gian lận khí thải đình đám gần đây. Theo Volkswagen, thị trường dịch vụ xe hơi đưa đón sẽ có tương lai phát triển rộng mở bởi đây là “thị trường lớn nhất, đầy tiềm năng trong mạng lưới yêu cầu sự lưu động”.
Trong khi VW và Gett rất cởi mở trong việc cung cấp thông tin về khoản ngân sách hợp tác của hai bên thì Toyota và Uber vẫn giữ kín quy mô đầu tư của hãng xe Nhật Bản. Tuy nhiên, Toyota và Uber cho biết liên minh của họ sẽ tiến xa hơn chứ không chỉ dừng lại ở mục tiêu doanh số bán xe.Theo đó, hai công ty sẽ tạo ra các lựa chọn thuê xe mới, trong đó bao gồm việc xe Toyota có thể được sử dụng rất nhiều trong các gọi dịch vụ gọi xe taxi theo yêu cầu của Uber.
Cũng theo thoả thuận được ký kết, Toyota và Uber sẽ sớm giới thiệu đến công chúng những lựa chọn thuê xe kiểu mới. Theo đó khách hàng là đối tác của Uber hoặc muốn trở thành đối tác của Uber có thể được thuê xe từ công ty Dịch vụ Tài chính Toyota với lộ trình thanh toán linh hoạt dựa trên thu nhập từ công việc đối tác Uber. Thời hạn thuê xe cũng sẽ rất linh động, dựa trên nhu cầu của đối tác. Đây là một sáng kiến trong chương trình Giải pháp Phương tiện Giao thông của Uber.
Trả lời phỏng vấn của báo giới, ông Shigeki Tomoyama, quản lý cấp cao của Toyota, nhấn mạnh: “Chia sẻ xe đang có tiềm năng rất lớn trong việc định hình tương lai của các phương thức di chuyển. Chúng tôi muốn khám phá những cách thức mới trong việc cung cấp các dịch vụ đi lại an toàn, thuận tiện và hấp dẫn hơn cho khách hàng”.