Uber chuyển sang mô hình kinh doanh phi lợi nhuận

Trong khi chờ phê duyệt giấy phép kinh doanh, Uber vừa quyết định sẽ không ăn hoa hồng từ các tài xế sử dụng dịch vụ của hãng ở New Delhi, Ấn Độ.

 

Ấn Độ ban hành lệnh cấm hoạt động của hãng có trụ sở tại Mỹ sau bê bối một tài xế Uber bị cáo buộc cưỡng hiếp hành khách. Tuy nhiên, công ty đã bắt đầu hoạt động trở lại và xin cấp giấy phép kinh doanh.

 

Đến cuối tuần trước, một quan chức giao thông vận tải thành phố cho biết Uber vẫn nằm trong “danh sách đen”. Tuy nhiên, ngày 27/1, hãng thông báo sẽ áp dụng một mô hình kinh doanh tương tự ứng dụng điện thoại thông minh Pooch-O đã được chính phủ phê chuẩn. Đây là một dịch vụ phổ biến nhằm kết nối khách hàng với tài xế taxi nhưng không yêu cầu người dùng phải trả phí.

 

Hãng cho biết: “Uber vừa thay đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp và hiện tại sẽ không ăn hoa hồng hay thu phí cho đến khi nào sự mơ hồ về pháp lý được giải quyết. Điều này cho phép Uber có thể hoạt động hợp pháp trong khi đi đến một giải pháp lâu dài với chính phủ”.

 

Trả lời Reuters, một quan chức cấp cao của hãng cho biết: “Chắc chắn hoạt động kinh doanh của chúng tôi sẽ bị tổn thương”. Đây không phải lần đầu tiên Uber phải “hy sinh” lợi nhuận để tiếp tục được cung cấp dịch vụ. Trước đó, hãng cũng có động thái tương tự ở Đức và Bỉ, liên quan đến dịch vụ UberPop cho phép bất cứ tài xế nào cũng có thể trở thành tài xế Uber.

 

Trong khi đó, Uber đang gặp phải không ít khó khăn tại Pháp, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, đối mặt với những lệnh cấm hoạt động do tài xế không được cấp phép. Mới đây, tài xế của hãng tại Boston, Chicago đều bị cáo buộc cưỡng hiếp hành khách.