Audi, Chrysler bị phạt vì vi phạm luật chống độc quyền

Trung Quốc sẽ trừng phạt các hãng xe nước ngoài bao gồm Audi, Chrysler cùng hơn chục hãng sản xuất phụ tùng của Nhật vì vi phạm luật chống độc quyền.

Audi, Chrysler bị phạt vì vi phạm luật chống độc quyền
Audi S4
Ngày 5/8, Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia (NDRC) Trung Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm thi hành luật chống độc quyền về giá, cho biết phát hiện ra hãng xe Chrysler và hãng xe Audi đã tham gia các hành vi mang tính chất độc quyền.
 
Tuyên bố của NDRC không làm rõ “hành vi độc quyền” ở đây nghĩa là gì. Tuy nhiên, các nhà quản lý lo ngại hiện tượng thiếu cạnh tranh về giá đối với phụ tùng và phương tiện ở Trung Quốc, thị trường xe hơi lớn nhất thế giới.
 
Li Pumin, một phát ngôn viên của NDR, cho biết trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc  cũng đã thực hiện các cuộc điều tra vào 12 hãng sản xuất linh kiện ô tô Nhật Bản và tuyên bố sẽ xử lý những công ty vi phạm. Tuy nhiên, cơ quan không tiết lộ tên, cũng không cho biết bao nhiêu trong số này sẽ bị phạt.
 
Trong những năm gần đây, Trung quốc đang tăng cường nỗ lực để buộc các công ty phải tuân thủ luật chống độc quyền được ban hành vào năm 2008, nhằm vào các ngành công nghiệp, bao gồm cả sữa bột hay trang sức. Không ít hãng đã phải chịu những khoản tiền phạt khổng lồ trong những cuộc điều tra tương tự.
 
Mới đây nhất, nằm trong diện bị “nhắm tới” là nhà sản xuất chip Qualcomm của Mỹ. Các quan chức của hãng bị cáo buộc kinh doanh độc quyền và nhiều khả năng sẽ phải chịu hình phạt nặng. Tuần trước, các nhà điều tra cũng “ghé thăm” văn phòng của Microsoft ở 4 thành phố tại Trung Quốc trong một cuộc điều tra kéo dài.
 
Audi và Chrysler cũng không phải các hãng xe duy nhất bị “sờ gáy”. NDRC cho biết đang mở một cuộc điều tra nhắm vào Mercedes-Benz. Tuần trước, chi nhánh Giang Tô của cơ quan cũng đã thực hiện các cuộc điều tra đối với đại lý của hãng xe Đức ở 5 thành phố khác nhau.
 
Những ngành nghề đang bị hướng vào cuộc điều tra cũng là những ngành công nghiệp lớn của Trung Quốc đang gặp lao đao. Chẳng hạn như ngành sữa đã xuống dốc kể từ sau vụ bê bối melamine năm 2008 khiến 6 em thiệt mạng và khoảng 300.000 em nhập viện vì sỏi thận. Sau bê bối này, phong trào tẩy chay sữa nội lan rộng, người dân tình nguyện bỏ tiền cao chuyển sang dùng sữa ngoại khiến cho siêu thị nhiều nước như Anh, Úc, Canada… bị cạn kiệt nguồn sữa còn hơn đánh liều với sự an toàn của sữa trong nước, “dù tỷ lệ rủi ro chỉ có 1% đi nữa” – một người tiêu dùng nói. Còn ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc sau hàng chục năm sử dụng chính sách ép buộc liên doanh đối với các hãng nước ngoài muốn thâm nhập sâu vào thị trường này đã không mang lại kết quả như mong đợi. Ngay cả người tiêu dùng nội địa cũng tỏ ra không quá hào hứng với các sản phẩm “made by China”. Nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc cũng không tỏ ra quá lo ngại, khi vẫn tồn tại những thị trường thiếu phòng bị.
 
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn