5 sự kiện ôtô thế giới
Không sáp nhập, không khủng hoảng, Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng, châu Âu suy giảm, ngành công nghiệp ôtô thế giới có một năm khá bình yên, nhưng bắt đầu bộc lộ xu hướng chuyển dịch sang một giai đoạn phát triển vượt khỏi tầm chế tạo cơ khí đơn thuần.
Công nghiệp ôtô thế giới phục hồi mạnh mẽ
Theo dự báo của hãng tư vấn IHS Automotive đưa ra trong tháng 12, ngành công nghiệp ôtô toàn cầu dự kiến sẽ sản xuất 82,2 triệu xe trong năm 2013 và là năm thứ liên tiếp thị trường đạt mức tăng trưởng cao hơn thời điểm khủng hoảng 2009. Với tốc độ này, năm tới thế giới có thể tiêu thụ 85 triệu xe các loại và chạm mốc 100 triệu vào năm 2018. Nguyên nhân được cho là giá xăng dầu được giữ ở mức vừa phải trong khi các thị trường mới nổi đang phát triển mạnh mẽ. “Năm 2014 dự kiến các nền kinh tế lớn đều có sự hồi phục”, Chesbrough Charles, nhà phân tích của HIS cho biết.

Trong khi đó, LMC Automotive lại dự đoán lượng xe toàn cầu 2013 sẽ đạt 83,5 triệu chiếc. Và đến năm 2020, lượng bán xe toàn cầu đạt khoảng 117 triệu chiếc, tức là tăng tới 40% so với mức ước tính của năm 2013.
Một báo cáo riêng biệt của Deutsche Bank lại mạnh dạn ước tính tiêu thụ ôtô toàn cầu sẽ đạt hơn 84 triệu xe trong năm 2013, tạo nên năm kỷ lục thứ tư liên tiếp kể từ 2010 (năm 2012 thị trường thế giới đạt 84,1 triệu xe). Tiếp đó năm 2014 có thể tăng 4% và đạt 87,4 triệu xe các loại.
Kết quả trên có được nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ từ Mỹ, Trung Quốc, bất chấp thị trường châu Âu tiếp tục khủng hoảng. Ước tính của Deutsche Bank cho thấy người Mỹ năm nay mua hơn 16,1 triệu xe và đạt 17 triệu chiếc vào năm 2017, mức bão hoà của thị trường. Từ nay đến 2020, sản lượng xe ở Bắc Mỹ sẽ tăng thêm 2,1 triệu xe mỗi năm, nhờ có thêm các nhà máy mới ở Mỹ và Mexico. Trong đó, khoảng 1 triệu thuộc về các nhà sản xuất ôtô châu Á. Thị trường Trung Quốc có thể đạt 21,7 triệu chiếc trong năm 2013 và tăng lên 23,8 triệu vào năm 2014.
Châu Âu tiếp tục khủng hoảng
Dựa trên việc số xe bán ra trong tháng 11 tăng nhẹ 0,7%, LMC Automotive dự báo thị trường châu Âu có thể chỉ giảm 2,3% trong năm nay so với 2012, đạt 11,7 triệu chiếc. Đây là năm thứ sáu liên tiếp lượng ôtô tiêu thụ ở khu vực này giảm xuống. Tin vui là năm 2014 có thể tăng 2,6%. Tuy nhiên, con số còn ở rất xa so với mức đỉnh 18 triệu chiếc đạt được vào năm 2007.
Nguyên nhân chính của tình trạng, theo tờ Wall Street Journal, là do cơ cấu dân số. Từ 2011, dân số châu Âu có độ tuổi 15-65 tuổi, chiếm hầu hết lượng người sở hữu xe, giảm mạnh do tỷ lệ sinh trong các thập kỷ trước sụt giảm. Liên hợp quốc dự báo, trong 10 năm tới nhóm dân số này sẽ giảm 1,4%. Báo cáo của Morgan Stanley cho biết, riêng yếu tố dân số già cỗi có thể làm giảm mức tiêu thụ tới 400.000 xe/năm trong 10 năm tới ở châu Âu.

IHS Automotive cho biết năm 2020, thị trường châu Âu chỉ ở mức 14,7 triệu xe, giảm 8% so với năm 2007, còn năm nay khoảng 12,2 triệu xe.
Thêm vào đó, kể từ giữa thập niên 2000, đặc biệt là kể từ khi xảy ra khủng hoảng năm 2008, người châu Âu bắt đầu ít sử dụng ôtô hơn, kết quả là xe ít hao mòn hơn và có tuổi thọ cao hơn. Công ty tư vấn AlixPartners dự đoán để tồn tại, ngành ôtô châu Âu phải đóng cửa ít nhất 5-7 nhà máy trong 5 năm tới, và nếu muốn có lãi, phải đóng cửa ít nhất 12 nhà máy.
Toyota bán xe kỷ lục
Toyota Motor Corp đang sẵn sàng năm thứ hai liên tiếp giữ lại danh hiệu là nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới với ước tính 9,9 triệu xe các loại trong năm 2013, bao gồm các xe Hino và Daihatsu. Con số này tăng so với mức 9,7 triệu của năm 2012. Trong khi đó, số xe bán ra trong 11 tháng qua của Toyota trên toàn thế giới đã tăng 1,8%, đạt 9.093.000 chiếc.
Đáng nói, lượng bán xe của Toyota chủ yếu đến từ các thị trường nước ngoài, ước tính vào khoảng gần 8 triệu chiếc trong năm 2013, trong khi tại Nhật Bản chỉ nhỉnh hơn 2 triệu xe. Nguyên nhân đến từ việc các chính sách kích cầu tiêu dùng xe hơi trong nước đã chấm dứt từ giữa năm. Tại Mỹ, sau 11 tháng đầu năm Toyota bán hơn 2 triệu xe và dự kiến đạt hơn 2,2 triệu trong cả năm.

Toyota cũng có thể trở thành hãng xe hơi đầu tiên trên thế giới sản xuất 10 triệu chiếc xe trong một năm. Theo số liệu mới công bố ngày 26/12, sản lượng trên toàn cầu của Toyota trong 11 tháng đã tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 9.337.668 chiếc. Riêng tháng 11 sản lượng toàn cầu tăng 13,3%, đạt 889.242 chiếc và là tháng thứ ba liên tiếp tăng trưởng hai con số. Nếu trong tháng 12 sản lượng của hãng trong tháng 12 bằng mức của cùng kỳ năm ngoái, con số xe sản xuất trong cả năm của Toyota sẽ là 9.993.000 chiếc.
Dự kiến, hãng có thể đạt lợi nhuận ròng 16,95 tỷ USD, tăng gần 2 tỷ USD so với năm ngoái, khi kết thúc năm tài khoá này vào tháng 3/2014, và gần đạt tới mức kỷ lục của năm 2007.
Trung Quốc là thị trường đầu tiên vượt mốc 20 triệu xe
Trung Quốc sẽ trở thành thị trường ôtô đầu tiên vượt qua mốc 20 triệu chiếc bán ra trong một năm với con số dự kiến của năm 2013 là 21,7 triệu xe các loại, và có thể tăng lên 23,8 triệu vào năm 2014. Nhưng khác với Mỹ, nhu cầu xe hơi ở Trung Quốc sẽ còn tăng cao và một số dự đoán còn cho rằng đến năm 2020, số xe bán ra sẽ là 32 triệu xe.

Năm 2013, Volkswagen vượt qua GM để giành lại vị trí hãng xe bán nhiều nhất ở thị trường này sau 8 năm, kể từ sau 2004. Tính đến hết tháng 11, hãng xe Đức bán được 3 triệu chiếc, hơn GM khoảng 70 nghìn xe. Mối lo lớn nhất với các hãng ôtô nước ngoài hiện tại được cho là việc các thành phố lớn liên tục ra lệnh hạn chế đăng ký xe hơi. Tuy nhiên, điều mà chính quyền Trung Quốc lo lắng nhất lại là việc các hãng nước ngoài ngày càng tăng trưởng mạnh, trong khi chất lượng xe của các hãng nội địa lại không được cải thiện. Hồi giữa năm nay, công ty nghiên cứu thị trường Sanford C. Bernstein & Co, tuyên bố ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc phải mất 10 năm nữa may ra mới theo kịp và cạnh tranh trên toàn cầu. Trong khi đó, những nước có ngành công nghiệp ôtô đứng đầu thế giới như Nhật Bản, Mỹ và Đức đang dịch chuyển khỏi các dây chuyền sản xuất cơ khí và bắt đầu xu hướng chế tạo ôtô như những sản phẩm công nghệ tiên tiến nhất.
Cuộc đua xe không người lái
Năm 2013, một loạt các hãng xe lớn đã tung ra các mẫu ôtô không người lái, được chạy thử nghiệm trên đường phố. Mạnh bạo nhất là Volvo khi tuyên bố sẽ bán khoảng 2.000 chiếc xe không người lái hàng loạt trong năm 2017.
Không kể xe tự lái Google, các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đang đi đầu với hàng loạt sản phẩm. Chiếc Nissan Leaf tự lái đã được chứng minh vận hành cực kỳ ổn định khi có thể làm thay mọi công việc của tài xe, từ dừng đèn đỏ, nhường đường cho người đi bộ đến phát phanh khẩn cấp, vòng tránh chướng ngại vật hay phát tín hiệu cấp cứu khi gặp sự cố nghiêm trọng.

Với công nghệ điều khiển điện tử đang tiến bước rất nhanh, đồng thời xe hơi chuyển dịch mạnh mẽ từ sử dụng động cơ đốt trong sang sử dụng điện hoặc pin nhiên liệu, ngành công nghiệp ôtô thế giới hé lộ xu hướng sáp nhập thành một với công nghiệp điện tử. Biểu hiện của nó là việc Google đi đầu về nghiên cứu xe tự lái, Apple đang phát triển hệ thống điều khiển giọng nói Siri có thể được trang bị cho 50% xe hơi toàn cầu vào năm 2018. Ngược lại, Toyota mới đăng ký bản quyền phần mềm đọc nét mặt người lái hay nhiều hãng xe đã hoàn thành công nghệ kết nối car-to-car để tạo nên một mạng lưới giao thông tự động khổng lồ.
Danh sách các mẫu xe khác lọt top 10 xe bán chạy nhất, xếp theo thứ tự giảm dần:
1. Ford Focus, dự kiến 1,1 triệu xe
2. Toyota Corolla, 1,05 triệu
3. Volkswagen Jetta, 906.000
4. Hyundai Elantra/Avante, 866.000
5. Chevrolet Cruze, 729.000
6. Toyota Camry, hơn 728.000
7. Volkswagen Wolf, 720.000
8. Ford Fiesta, 705.000
9. Honda CR-V, 698.000
10. Volkswagen Polo, 686.000
|
