Tại sao xe Mỹ bị “ghẻ lạnh” tại Nhật Bản?

Thị trường ôtô Nhật Bản dường như không phải “miền đất hứa” đối với các hãng xe Mỹ. Chính sách bảo hộ bị cho là rào cản khiến họ không thể giành thị phần tại thị trường xe hơi lớn thứ 3 thế giới nhưng thực thế còn phức tạp hơn nhiều.  

Tại sao xe Mỹ bị “ghẻ lạnh” tại Nhật Bản?
 
Các thương hiệu nội địa chiếm tới 90% thị trường ôtô Nhật Bản. Một yếu tố đóng vai trò quan trọng nằm ở mối quan hệ “đặc biệt” giữa khách hàng và đại lý. So với những nước phương Tây, các tài xế tại Nhật Bản và đại lý có mối liên kết chặt chẽ hơn hẳn.
 
Theo báo cáo của Atlantic, đại lý của một thương hiệu xe Nhật sẽ xây dựng mối quan hệ bằng cách đưa các sản phẩm “demo” đến tận nhà người mua, cung cấp dịch vụ rửa xe miễn phí trọn đời, xử lý các chính sách bảo hiểm và luôn giữ liên lạc với khách hàng.
 
Sự hiếu khách là “chìa khóa” giúp các hãng xe của xứ sở hoa Anh Đào chiếm ưu thế nhưng đây cũng chính là điều các đại lý của Mỹ chưa “quen”, khiến họ không thể giành miếng bánh thị phần tại Nhật Bản.
 
Không riêng ở “sân khách” mà ngay tại “sân nhà”, các hãng xe Mỹ cũng không quá vượt trội so với đối thủ. “Bộ ba” gồm GM, Ford và FCA chiếm 45% thị phần, trong khi các hãng xe Nhật bám đuổi với 39%. Điều này góp phần dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ so với Nhật Bản ở mức 68,9 tỷ USD vào năm ngoái và trong số đó, 52,6 tỷ USD đến từ ngành ôtô.
 
Thực tế, đây cũng là vấn đề gây tranh cãi giữa các chính trị gia, bao gồm Tổng thống Mỹ, trong thời gian qua. Donald Trump từng cho rằng Nhật Bản đã làm cho việc bán xe tại nước này trở nên khó khăn hơn. Mới đây, trong chuyến công du đến châu Á, ông cũng thúc giục các hãng ôtô Nhật Bản gia tăng hoạt động sản xuất tại Mỹ.
 
Về phía mình, các hãng xe Mỹ cáo buộc chính phủ Nhật Bản áp dụng biện pháp bảo hộ xe nội như yêu cầu quy trình kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với xe có nguồn gốc nước ngoài và cấm các đại lý bán xe nhập. Theo họ, những chính sách trên khiến các hãng xe ngoại không thể giành chỗ đứng trên thị trường.
 
Tuy nhiên, theo Carscoops, cơ chế bảo hộ không lý giải toàn bộ việc khách hàng Nhật tỏ ra “thờ ơ” với xe Mỹ bởi trên thực tế, Nhật Bản không đánh thuế nhập khẩu lên xe hơi, trong khi ở Mỹ và châu Âu, các mức thuế lần lượt là 2,5% và 10%.
 
Thay vào đó, gốc rễ vấn đề phần lớn nằm ở các đại lý xe Mỹ còn chần chừ trong việc đầu tư vào mạng lưới mà người tiêu dùng Nhật Bản mong muốn. Những dịch vụ khách hàng Nhật Bản chờ đợi gồm: bảo dưỡng xe miễn phí hay các đại lý đến tận nhà để lấy xe, đem đi kiểm tra sau đó trả lại họ. Loại hình này rất đắt đỏ, không những ở bước phát triển ban đầu mà cả quá trình duy trì sau đó.
 
Deborah Elms, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Châu Á nhận định: “Cách người Nhật mua xe rất khác biệt, người Mỹ lại chưa thực sự đầu tư vào mạng lưới đại lý để thâm nhập thị trường”. Kết quả, Ford quyết định rút khỏi Nhật Bản khi chỉ xoay sở bán được 5.000 xe mỗi năm. Chung số phận, với con số “khiêm tốn” 28 đại lý, GM cũng chỉ tiêu thụ 1.000 xe năm 2016.
 
Nếu như các hãng xe Mỹ “gặp khó” tại Nhật Bản khi nhập khẩu giảm 15% xuống 19.933 giai đoạn 2013-2016 thì nhập khẩu xe từ châu Âu lại tăng 5% lên 251.115 xe. Các thương hiệu Mercedes-Benz và BMW chứng kiến mức tăng trưởng 60% và 23% từ 2012-2016. Cách đây 3 năm, BMW quyết định đầu tư 675 triệu USD để “tân trang” hệ thống đại lý. Ông Peter Kronschnabl – CEO BMW Nhật Bản, cho biết: “Tại Nhật Bản, mọi thứ đều xoay quanh sự hiếu khách. Nếu bạn không thích nghi với điều đó, bạn sẽ rất khó để thành công”.