Vì sao nhiều công nghệ ô tô tiên tiến ít được sử dụng ở Việt Nam
Các nhà sản xuất thường đưa nhiều công nghệ tiên tiến vào các mẫu ô tô của hãng nhằm thu hút sự chú ý của người để qua đó gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Tuy nhiên, không phải tất cả đều hữu dụng với mọi đối tượng người dùng do không phù hợp với điều kiện thời tiết và giao thông. Điều đó lý giải vì sao nhiều công nghệ ô tô tiên tiến ít hữu dụng, thậm chí bị tháo bỏ khi về Việt Nam.
Sưởi vô-lăng, sấy ghế
Đây là hai tính năng hữu dụng với người dân vùng ôn đới và hàn đới, nên thường thấy trên xe nhập khẩu từ "vùng lạnh" như Bắc Mỹ, châu Âu hay Hàn Quốc. Bởi khi kích hoạt, vô-lăng và ghế sẽ được sưởi ấm, giúp xua tan hơi lạnh trong xe và giữ ấm cho người ngồi trong xe.
Tuy nhiên, với quốc gia nhiệt đới nóng ẩm quanh năm như Việt Nam, hai tính năng này trở nên thừa thãi. Ngay cả vào mùa đông ở miền Bắc, khi nhiệt độ có thể xuống dưới 10 độ C (dù rất hãn hữu), thì trong xe cũng không quá lạnh. Do đó, người dùng chỉ cần sử dụng điều hòa hai chiều là đủ.
Tự động bật/tắt động cơ (Auto Start/Stop)
Hệ thống này có ưu điểm là giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm thải lượng khí xả bằng cách ngắt động cơ khi xe dừng lại hoàn toàn cũng như tự khởi động khi người lái bỏ chân ra khỏi bàn đạp phanh. Thế nhưng, phần đông người lái xe ở Việt Nam không sử dụng tính năng này vì "xót" xe do động cơ liên tục bật/tắt khi di chuyển trong thành phố với hệ thống đèn đỏ dầy đặc, tình trạng tắc, nghẽn đường xảy ra thường xuyên... Bởi nhiều người cho rằng: Việc bật/tắt động cơ liên tục sẽ ảnh hưởng đến hệ thống khởi động cũng như tuổi thọ của ắc quy mà lượng nhiên liệu tiết kiệm được chẳng đáng là bao.
Hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng (ACC)
ACC là hệ thống kiểm soát hành trình tiên tiến, giúp duy trì tốc độ lái xe dựa trên tốc độ lưu thông của xe phía trước. Vì thế, ACC thường được giới thiệu về tính tiện lợi, độ đẳng cấp và an toàn. Tuy nhiên, trong điều kiện giao thông phức tạp và thói quen lái xe khá tuỳ tiện ở Việt Nam, người lái khó có thể yên tâm "phó mặc" sự an toàn của bản cho chiếc xe được trang bị tính năng này. Bởi thực tế, ACC chỉ thực sự phù hợp khi xe di chuyển trên cao tốc hoặc lái xe đường trường theo đoàn.
Hệ thống treo khí nén điện tử (Electronic Air Suspension - EAS)
Ô tô thường chịu tải trọng dao động do bề mặt đường mấp mô sinh ra khi chuyển động trên đường không bằng phẳng. Những dao động này tác động tiêu cực đến tuổi thọ của xe, thậm chí khiến hành khách cảm thấy không thoải mái.
Hệ thống treo khí nén điện tử (EAS) ra đời từ năm 1950 được xem là bước cải tiến mạnh mẽ của hệ thống treo. Hiện nay, các nhà sản xuất ô tô cao cấp đã và đang tiếp tục nghiên cứu phát triển để EAS ngày càng hoàn thiện hơn. Theo đó, hệ thống khí nén (bóng hơi cao su) tiên tiến thay thế các bộ phần đàn hồi lò xo và nhíp lá, hỗ trợ người lái chủ động điều chỉnh độ cao thấp của khung gầm, độ cứng bộ phận đàn hồi tùy thuộc vào chế độ lái và mặt đường di chuyển.
Dù hiện đại như vậy, nhưng hệ thống này lại gặp phải nhiều vấn đề khi xe tham gia giao thông tại Việt Nam. Môi trường bụi bẩn và hạ tầng giao thông, mặt đường chất lượng kém khiến EAS gặp nhiều lỗi như thủng bóng hơi khí nén, tắc van chia hơi, hỏng bơm chia khí nén... Điều kiện thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao càng đẩy nhanh quá trình lão hóa cao su. Hậu quả là các chi tiết này nhanh chóng bị hư hỏng. Đó là chưa kể đến việc chuột chui vào khoang động cơ cắn phá làm hệ thống gặp lỗi. Trong khi đó, chi phí sửa chữa và thay thế lại khá cao. Với những nhược điểm trên, không ít người đã chuyển đổi về hệ thống treo lò xo để tiết kiệm chi phí và gia tăng độ bền.
Chống ồn hốc bánh xe
Trước thực tế chỉ số tiếng ồn trở thành tiêu chí chọn xe của không ít người, các nhà sản xuất ô tô đã tìm cách cải thiện chất lượng âm thanh cho sản phẩm. Trong đó, tiếng lốp xe tiếp xúc với đường dội vào khoang lái là một trong những tiếng ồn khó xử lý nhất. Để khắc phục tình trạng này, nhiều nhà sản xuất ô tô đã trang bị lòng vè ốp cua lốp sử dụng chất liệu nỉ nhằm gia tăng độ cách âm.
Tiếc là chúng lại không phù hợp với thời tiết nhiệt đới nóng ẩm của Việt Nam. Những cơn mưa hay những ổ gà đầy nước khiến chi tiết này luôn ẩm ướt. Dẫn đến tình trạng bốc mùi và gây hư hỏng cần thay thế. Vì thế, không ít chủ xe tại Việt Nam đã chọn giải pháp cứng hóa lòng vè cua lốp bằng cách “hóa nhựa” chi tiết này để gia tăng độ bền và khả năng chống nước cũng như tiết kiệm chi phí thay thế, cho dù biết rằng đang đi ngược mục đích của nhà sản xuất và làm mất tác dụng của nó.
Cửa sổ trời toàn cảnh Panorama
Cửa sổ trời toàn cảnh Panorama không chỉ được trang bị cho các dòng xe sang mà giờ đây đã xuất hiện trên nhiều mẫu ô tô phổ thông. Tuy nhiên, thời tiết mùa hè của Việt Nam với nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến 40 độ C đã ảnh hưởng trực tiếp đến xe do gây ra hiệu ứng nhà kính khiến nhiệt độ trong xe có thể lên đến 60 độ C, làm giảm hiệu quả của hệ thống điều hòa, gây hao tốn nhiên liệu cũng như tạo cảm giác khó chịu cho người ngồi trong xe. Do đó, nhiều chủ xe phải đi dán phim chống nóng hoặc gia cố cho trang bị đắt tiền này bằng các tấm cách nhiệt, thậm chí...bìa carton vào mùa hè.
Chưa hết, vào mùa mưa, nước mưa không kịp thoát do khói bụi gây tắc rãnh thoát khiến nước ngấm ngược vào trong, làm xe bị giột. Hậu quả là chủ xe đã phải chi khoản tiền không nhỏ để dọn nội thất. Đó là chưa kể đến việc nước mưa còn ảnh hưởng xấu đến chất lượng nội thất. Vì thế, thay vì yêu thích lúc ban đầu, cửa sổ trời toàn cảnh mang đến cảm giác lo lắng cho nhiều chủ xe.