Từ năm 2018, tất cả ôtô tại châu Âu đều có thể tự động gọi cấp cứu

Kể từ năm 2018, tất cả các xe mới bán tại châu Âu đều phải có khả năng tự động gọi cho các dịch vụ cấp cứu hay cảnh sát trong trường hợp xảy ra một vụ tai nạn.

Ảnh minh họa
Dự luật ‘eCall' của Ủy ban châu Âu đã được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2012 như một cách nhằm cải thiện thời gian phản ứng trong các vụ tai nạn xe hơi, đặc biệt ở những vùng nông thôn. Trong trường hợp một vụ tai nạn nghiêm trọng mà người ngồi trên xe không thể di chuyển hay nói chuyện, hệ thống sẽ tự động thông báo cho cảnh sát hoặc các trung tâm cứu thương với những thông tin về thương hiệu xe, loại nhiên liệu, thời gian xảy ra sự cố và đặc biệt là vị trí hiện tại của phương tiện.
 
Các nghiên cứu cho thấy công nghệ có thể sẽ cải thiện thời gian phản ứng tới 50% ở các vùng nông thôn, trong khi ở các khu đô thị đông đúc là 40%, cứu sống hàng trăm người, đồng thời giảm mức độ nghiêm trọng ở hàng nghìn trường hợp bị thương.
 
Dự luật cũng vấp phải không ít sự phản đối cùng những lo ngại về việc triển khai cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng cần thiết đễ hỗ trợ và gần đây là lo ngại về vấn đề riêng tư. Mặc dù vậy, cuối cùng, Nghị viện châu Âu và các thành viên của liên minh châu Âu cũng đã đi đến một thỏa thuận. Thông qua một cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào tháng 3/2015, eCall sẽ trở thành tính năng bắt buộc trên tất cả các xe được bán ra từ tháng 3/2018.
 
Antonio Avenosos, người đứng đầu Hội đồng An toàn giao thông châu Âu, cho rằng các dịch vụ khẩn cấp có thể kịp thời đến hiện trường các vụ tai nạn rất quan trọng trong việc ngăn ngừa những tổn thất không đáng có. Đáng tiếc là sẽ phải mất vài năm để tất cả những xe mới đều được trang bị hệ thống này.
 
Mặc dù vậy, trước đó, nhiều hãng xe lớn đều đã bắt đầu cung cấp eCall trên một số mẫu xe mới nhất của mình. Từ năm 2012, Ford giới thiệu một phiên bản với tên gọi Sync Emergency Assistance trên các xe dành cho thị trường châu Âu. Tại hội thảo xe máy quốc tế lần thứ 10 được tổ chức tại Đức hồi tháng 9, các hãng xe máy hàng đầu châu lục cũng cam kết sẽ nghiên cứu tính khả thi của việc tích hợp hệ thống vào các sản phẩm tương lai.
 
Khi trở thành tính năng tiêu chuẩn, hệ thống có thể sẽ giúp khách hàng cảm thấy yên tâm hơn khi chọn mua một mẫu xe. Mặc dù vậy, chắc chắn, các hãng sản xuất sẽ gặp phải một số khó khăn, trong đó việc giá bán sản phẩm bị đội lên, khiến không ít người tiêu dùng sẽ ngần ngại hơn khi chi tiền.