“Nghiệt duyên” giữa nhà sản xuất ôtô và hãng công nghệ

Khi công nghệ xe thông minh trở thành yêu cầu tất yếu, việc hợp tác giữa các hãng sản xuất xe và các công ty công nghệ cũng ngày càng chặt chẽ.

 
Xu hướng ngày càng phổ biến
 
Xét về khía cạnh kinh tế, có nhiều lý do để các hãng công nghệ “bắt tay” với các nhà sản xuất xe hơi. Ngành công nghiệp công nghệ cao hiện nay chỉ đứng sau ngành tài chính về giá trị tiền mặt. Trong số hơn 1,8 nghìn tỷ USD doanh thu thống kê từ các hãng phi tài chính, các công ty công nghệ cũng chiếm khoảng 60%.
 
 
Bí quyết thành công của Thung lũng Silicon là sự kết nối quy mô lớn chưa từng có. Trong một thế giới kết nối, các công ty có thể độc quyền khách hàng và quảng cáo do sự thống trị của họ về công nghệ tìm kiếm và truyền thông xã hội. Phần lớn thế giới sử dụng một số lượng nhỏ các sản phẩm từ Facebook, Google hay Apple để truy cập Internet, một xu hướng đang dần tăng tốc. Doanh thu của Google, Apple, Facebook và Amazon gấp 3 lần các đại gia công nghệ Microsoft, Intel, và gấp 6 lần IBM - hãng công nghệ khổng lồ đầu tiên.
 
Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cần mở rộng danh mục sản phẩm của họ, vì cung cấp phầm mềm hay nội dung trên máy tính hay điện thoại không còn mà mảng kinh doanh tăng trưởng cao như trước thì mảng công nghệ trên xe hơi sẽ là lựa chọn hàng đầu. Xu hướng hợp tác hay mua lại giữa các công ty công nghệ và các hãng sản xuất xe có thể sẽ còn tiếp diễn và thậm chí còn tăng tốc hơn nữa.
 
 
Cho đến nay, việc mua bán và thu hút chủ yếu từ Detroit đến Thung lũng Silicon. Hơn 64 nhà sản xuất ôtô đã thành lập cửa hàng trong khu vực Vịnh San Francisco và có rất nhiều vụ mua bán, đầu tư cao cấp diễn ra. Như việc hãng sản xuất xe GM mua lại hãng công nghệ xe tự lái Cruise Automation với giá gần 1 tỷ USD và dành 500 triệu USD đầu tư cho Lyft (dịch vụ taxi đối thủ của Uber). Hay việc Porsche đang có bước tiến mới sau khi bắt tay hợp tác với công ty khởi nghiệp home-iX chuyên về lĩnh vực công nghệ. Tiếp đó là sự kiện Intel mua hãng sản xuất các hệ thống công nghệ cho xe tự lái lớn nhất thế giới - Mobileye với giá 63,54 USD/cổ phiếu. Hiện tại, Mobileye chiếm 70% thị phần toàn cầu trong lĩnh vực hỗ trợ lái xe và hệ thống chống va chạm.
 
Xu hướng xe kết nối cũng cần đến những hệ thống viễn thông đáng tin cậy hơn. Một số nhà sản xuất ôtô hàng đầu của Đức đã xúc tiến việc hợp tác với Ericsson, Huawei, Nokia, Qualcomm và Intel để phát triển mạng 5G thế hệ mới.
 
 
Gần đây nhất là việc Toyota hợp tác với hãng công nghệ NVIDIA để phát triển và cung cấp phần cứng và công nghệ phần mềm trí tuệ nhân tạo mà hãng xe Nhật dự định tung ra thị trường trong vài năm tới.Theo đó, các mẫu xe tự hành của Toyota sẽ được trang bị nền tảng máy tính Nvidia Drive PX AI sử dụng các công nghệ “học sâu” (deep learning), và xử lý được hầu hết các tình huống diễn ra trên đường.
 
Vẫn có những rào cản
 
Tuy nhiên, xu hướng này không phải không tồn tại những thách thức. Hầu hết mô hình sản xuất xe hơi đều yêu cầu lượng vốn bỏ ra khá lớn, bên cạnh đó là sự khan hiếm các kỹ sư thiết kế, cộng thêm thời gian thu hồi vốn tương đối dài. Khá khác biệt so với cách hoạt động của các công ty công nghệ.
 
 
Công ty tư vấn McKinsey ước tính các hãng sản xuất ôtô trong thị trường sử dụng khoảng 75% tiền mặt cho chi phí sản xuất, chỉ còn lại 3-6% cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Các công ty công nghệ, ngược lại, dành từ 35% đến 60% lợi nhuận cho sản xuất, với 10-15% cho R&D.
 
Kevin Rivette, quản lý đối tác của Tập đoàn Công nghệ Sherpa, từng cho biết: “Các công ty công nghệ muốn sở hữu ‘bộ não’ của chiếc xe vì họ biết đó là nơi có nguồn lợi nhuận lớn nhất. Intel và Microsoft đã làm vậy trong ngành công nghiệp máy tính. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra trong lĩnh vực sản xuất xe hơi.”