Hệ thống điện tử chiếm 40% chi phí một chiếc ôtô
Ôtô ngày càng giống chiếc “máy tính” trên những bánh xe. Đó cũng là lý do khiến chi phí sản xuất ô tô tăng vọt.
Báo cáo mới đây của hãng kiểm toán Deloitte cho thấy ngành công nghiệp xe hơi đã thay đổi đáng kể trong những năm qua. Sự xuất hiện các thành phần điện tử ngày càng phổ biến, một phần do ảnh hưởng từ các quy định an toàn.
Năm 2004, chưa đầy 20% lượng xe mới tích hợp những công nghệ như: kiểm soát ổn định, túi khí bên, giám sát áp suất lốp, cảm biến đậu xe, cảnh báo điểm mù... Nhưng đến năm 2017, hệ thống điện tử đã xuất hiện ở hơn 80% phương tiện có mặt trên thị trường.
Đây cũng chỉ là những tính năng an toàn cơ bản. Các dòng xe hiện đại hơn còn được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến khác, bao gồm kiểm soát hành trình thích ứng, gương tự động làm mờ, công nghệ ngắt xy-lanh tạm thời, hệ thống start/stop, hệ truyền động điện hoặc hybrid.
Việc các mẫu xe ngày càng hiện đại đồng nghĩa với việc, chi phí sản xuất và giá bán cũng tăng lên. Hãng kiểm toán Deloitte nhấn mạnh: Các hệ thống điện tử từng chiếm khoảng 18% chi phí một chiếc xe vào năm 2000. Hiện tại, tỷ lệ này ở mức 40% và có thể đạt 45% vào năm 2030. Cụ thể: Chi phí của một bộ bán dẫn năm 2013 là 312 USD/xe, nhưng hiện là 400 USD/xe. Dự kiến vào năm 2022, con số này sẽ tăng lên 600 USD/xe.
Trong tương lai, xe hơi được dự báo sẽ càng “đắt đỏ” với sự phổ biến của các hệ thống an toàn tiên tiến, nhất là khi các nhà sản xuất đạt đến mức độ tự động hóa cao hơn.