Công nghệ ôtô “tiến hóa” như thế nào

Kể từ khi những chiếc xe đầu tiên ra đời với hình dáng hết sức thô sơ, ngành công nghiệp ôtô đã có những bước đột phá để đem đến những mẫu xe hiện đại và an toàn như ngày nay. Cùng điểm lại những điểm mốc đáng chú ý trong lịch sử phát triển của công nghệ xe hơi.

1886: Chiếc xe đầu tiên
 
Năm 1886 được ghi nhận là thời điểm chiếc ôtô đúng nghĩa đầu tiên ra đời trong lịch sử với tên gọi Benz Patent Motorwagen. Nó là chiếc xe 3 bánh do kỹ sư người Đức Austrian Karl Benz đăng ký bằng sáng chế với động cơ đốt trong 0.95L công suất 6 mã lực.
 
Trước đó, đã có không ít nỗ lực để phát triển những chiếc xe hơi sử dụng động cơ hơi nước nhưng hầu hết đều thất bại.
 
1908: Ford Model T
 
 
Năm 1908, hãng xe Ford ghi dấu ấn trong ngành công nghiệp bằng Model T - mẫu xe đầu tiên được đưa lên dây chuyền sản xuất hàng loạt thay vì chế tạo thủ công. Bước “nhảy vọt” về công nghệ góp phần không nhỏ trong việc cắt giảm chi phí sản xuất một chiếc ôtô.
 
Dù vẫn mang hình dáng giản đơn theo “phong cách” xe ngựa, song Model T nhanh chóng phổ biến và trở thành lựa chọn của tầng lớp trung lưu tại Mỹ. Thậm chí, Ford Model T còn đem về danh hiệu mẫu xe có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 trong cuộc thi “Car of the Century” được tổ chức vào năm 1999.
 
1911: Hệ thống đánh lửa điện tử
 
Hệ thống đánh lửa điện tử ra đời năm 1911, nhằm giúp tài xế dễ dàng khởi động xe thông qua một nút bấm nhỏ gọn. Công nghệ này hiện đại và an toàn hơn hẳn những chiếc tay quay thủ công có thể gây thương tích cho người dùng trong quá trình sử dụng.
 
Bộ khởi động điện đầu tiên xuất hiện trên một chiếc Cadillac vào năm 1912 và nhanh chóng được áp dụng trên nhiều dòng xe sau đó.
 
1934: Hệ thống treo dạng lò xo
 
 
Trong quá trình phát triển xe hơi, nhiều nhà sản xuất bắt đầu nghiên cứu giải pháp để đem đến cho người dùng những chuyến đi êm ái hơn, đó là lý do dẫn đến sự ra đời của hệ thống treo dạng lò xo.
 
Mỗi bánh xe được trang bị một chiếc lò xo làm từ kim loại. Khi bị nén xuống, lò xo sẽ hấp thụ lực sinh ra do bánh xe tiếp xúc với mặt đường. Nhờ khả năng đàn hồi của lò xo mà người ngồi trên xe không có cảm giác lắc lư như đang cưỡi ngựa.
 
1953: Điều hòa nhiệt độ
 
Năm 1953, Chrysler Imperial trở thành mẫu xe thương mại đầu tiên được trang bị điều hòa nhiệt độ dưới dạng tùy chọn. Hệ thống đi kèm 3 chế độ: Thấp, trung bình và cao.
 
1958: Ga tự động
 
Ga tự động là công nghệ cho phép người lái duy trì tốc độ ổn định của phương tiện mà không cần chân ga. Điều đó giúp những chuyến đi trở nên nhẹ nhàng và bớt căng thẳng hơn, đặc biệt khi di chuyển trên đường cao tốc. Chrysler Imperial trở thành mẫu xe đầu tiên được bổ sung công nghệ này (1958), trước khi nó cũng trở thành tính năng tiêu chuẩn trên tất cả các xe Cadillac (1960).
 
Phiên bản cao cấp hơn là ga tự động thích ứng, một xu thế mới đang dần phổ biến trên xe hơi. Nhờ sử dụng các cảm biến, ngoài khả năng giữ vận tốc theo cài đặt của người dùng, công nghệ ga tự động thích ứng còn có thể tự điều chỉnh tốc độ của xe nhằm duy trì khoảng cách an toàn với phương tiện phía trước.
 
1959: Dây đai an toàn
 
 
Dây đai an toàn là bộ phận không thể thiếu trên xe hơi. Dây an toàn 3 điểm được phát minh bởi kỹ sư Nils Bohlin của Volvo. Tại thời điểm đó, hãng xe Thụy Điển quyết định chia sẻ miễn phí công nghệ cho các nhà sản xuất khác với mong muốn sẽ có thêm nhiều người được cứu sống trong các vụ tai nạn.
 
Năm 1966, dây an toàn trở thành thiết bị bắt buộc đối với các hãng xe tại Anh.
 
1971: ABS
 
ABS (hệ thống chống bó cứng phanh) là công nghệ thông minh có nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng bánh xe bị khóa cứng khi phanh gấp, giảm tình trạng trượt bánh gây nguy hiểm. Ban đầu, ABS chỉ xuất hiện trên tàu hỏa hay máy bay Concorde, sau đó được trang bị cho Chrysler Imperial.
 
1988: Túi khí
 
Kể từ thập kỷ 70, túi khí đã bắt đầu xuất hiện trên xe của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, 1988 mới là năm đầu tiên, Chrysler giới thiệu trên thị trường túi khí được sản xuất hàng loạt. Không chỉ như thiết bị bảo vệ an toàn cho các tài xế, ngày nay, túi khí còn được đặt ở những vị trí khác nhau trong xe, nhằm bảo vệ tính mạng cho cả hành khách.
 
1996: Xe “kết nối”
 
General Motors tung ra thị trường những chiếc xe “kết nối” với hệ thống GM OnStar. Thông qua hệ thống, tài xế có thể gọi đến các dịch vụ khẩn cấp trong trường hợp không may xảy ra tai nạn.
Ngày nay, công nghệ còn tích hợp với dữ liệu GPS trên điện thoại thông minh để chỉ dẫn nhân viên cứu hộ đến nơi có sự cố một cách nhanh chóng.
 
2000: Xe hybrid
 
 
Ý tưởng về hệ truyền động hybrid kết hợp giữa động cơ đốt trong và động cơ điện nhen nhóm vào thế kỷ 19 nhưng đáng tiếc, không được hiện thực hóa. Đầu thế kỷ XX, Toyota đã khắc phục được những nhược điểm của hệ truyền động hybrid và cung cấp ra thị trường trên mẫu Prius.
 
2002: Camera lùi
 
Trong một số hoàn cảnh, việc lùi xe có thể trở thành thảm họa khi tài xế bị hạn chế tầm nhìn. Sự xuất hiện của camera lùi giúp cung cấp hình ảnh phía sau xe, hạn chế những sự cố đáng tiếc do xe đâm vào vật cản.
 
2003: Công nghệ đỗ xe tự động
 
Đỗ xe, đặc biệt đỗ xe song song, được xem như cơn ác mộng đối với không ít tài xế mới. Năm 2003, Toyota giải “bài toán” nhờ hệ thống hỗ trợ đậu xe thông minh, giúp người lái dễ dàng điều khiển phương tiện vào vị trí đỗ.
 
Năm 2006, Lexus (thương hiệu xe sang của Toyota) đưa công nghệ đỗ xe tự động lên LS, trước khi tính năng được áp dụng rộng rãi trên một loạt dòng xe hiện đại.
 
2010s: Các tính năng hỗ trợ lái xe
 
Trong một thập kỷ qua, hàng loạt công nghệ hỗ trợ lái xe tiên tiến đã được phát triển nhằm giảm bớt căng thẳng và đảm bảo an toàn cho tài xế khi điều khiển phương tiện. Có thể kể đến công nghệ cảnh báo đi sai làn, cảnh báo điểm mù, đèn pha chủ động, cảnh báo xe chạy cắt ngang...
 
2014: Tesla Autopilot
 
Những năm gần đây, công nghệ tự lái là đề tài thu hút sự quan tâm của không ít “ông lớn” trong ngành công nghiệp. Tesla tiên phong với hệ thống bán tự động Autopilot trên Model S. Công nghệ có thể hỗ trợ tài xế thực hiện một số hoạt động như đánh lái, thậm chí chuyển làn khi di chuyển trên đường cao tốc.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn