Chìa khóa ôtô đã “tiến hóa” như thế nào
Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp xe hơi, chìa khóa xe cũng đã trải qua một chặng đường dài từ những hình dạng thô sơ nhất cho đến các loại chìa khóa điều khiển từ xa, thậm chí hướng tới ứng dụng di động. Cùng điểm lại một số cột mốc đáng chú ý trong quá trình “tiến hóa” của chìa khóa xe ôtô.
1949 Chrysler: Chiếc chìa khóa đầu tiên có thể khởi động hệ thống đánh lửa trên ôtô xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 nhưng nó vẫn yêu cầu sự hỗ trợ của một nút bấm. Do vậy, cuộc “cách mạng” về công nghệ chìa khóa ôtô có thể tính từ năm 1949 khi Chrysler phát minh loại chìa khóa “hai trong một”, loại bỏ vai trò của nút khởi động.
1965 Ford: Ford là hãng xe cho ra đời chìa khóa hai mặt. Khác với chìa khóa xe một mặt trước đó, thiết kế mới bao gồm các đường cắt ở cả hai bên, đảm bảo người dùng không lo phải cắm chìa khóa đúng chiều.
1986 Chevrolet Corvette: Để gây khó khăn cho những kẻ trộm, Chevy còn bổ sung một điện trở đã được mã hóa vào chìa khóa mẫu xe Chevrolet Corvette. Hệ thống chống trộm được sử dụng trên hầu hết các xe GM cho đến những năm 90.
1987 Cadillac Allanté: Cadillac Allanté 1987 là mẫu xe đánh dấu sự xuất hiện của công nghệ khóa thông minh với tính năng khóa/mở cửa từ xa.
1990 Jaguar: Với tên gọi Tibbe, kiểu chìa khóa này được thiết kế với phần đầu hình oval và lần đầu tiên được đưa lên Merkur Scorpio 1989 trước khi phổ biến rộng rãi trên các xe Jaguar vào thập kỷ 90. Chìa khóa Tibbe còn có mặt trên Ford Transit Connect 2010-2013 trước khi “biến mất”.
1990 Lexus LS400: Đây là một trong những mẫu xe đầu tiên sử dụng chìa khóa cắt laser. Cách thiết kế khác lạ nhằm cải thiện độ an toàn bởi rất khó để sao chép.
1990 Mercedes-Benz SL: Cũng vào năm 1990, xe Mercedes-Benz SL được trang bị chìa tích hợp tính năng khóa cửa từ xa. Sau đó, thiết kế được nhân rộng và đưa lên hầu hết các dòng xe Volkswagen.
1993 Chevrolet Corvette: GM thử nghiệm một loại công nghệ chìa khoá trên Corvette 1993. Hệ thống không thể tự khởi động phương tiện mà cần phải có một khóa đánh lửa “truyền thống”. Đổi lại, cửa xe tự động khóa/mở ngay khi cảm nhận thấy chìa khóa ở cự ly gần.
2003 Mercedes-Benz: Mercedes-Benz phát minh chìa khóa xe Smart Card cho xe đời 2013 với hình dạng một tấm thẻ tín dụng có thể đặt vừa ví cá nhân. Tuy nhiên, nhược điểm của loại chìa khóa này chính là độ bền kém. Một năm sau đó, đối thủ Lexus cho ra mắt phiên bản riêng của Smart Card mà hãng vẫn dùng cho một số dòng xe hiện nay.
2004 Chevrolet Malibu: Tính năng khởi động từ xa đã có ở thị trường “chợ trời” trong nhiều năm nhưng GM là thương hiệu đầu tiên cung cấp công nghệ chính hãng. Nhờ vậy, tài xế có thể điều chỉnh nhiệt độ trong cabin ngay cả khi không ngồi trên xe.
2016 BMW: Chiếc chìa khóa có tên Display Key được giới thiệu trên mẫu BMW 7-Series nhằm mô phỏng hình dáng của một chiếc điện thoại thông minh với màn hình cảm ứng LCD. Điểm vượt trội ở công nghệ của hãng xe Đức là từ khoảng cách tới 300m, tài xế vẫn có thể đóng/mở cửa, điều chỉnh nhiệt độ, mở cốp xe, thậm chí “ra lệnh” cho phương tiện đi vào chỗ đậu. Ngoài ra, màn hình còn hiển thị những thông tin về tình trạng cửa xe, đèn chiếu sáng, mức nhiên liệu hay lịch bảo dưỡng sắp tới. Thiết bị có thể sạc pin thông qua kết nối USB hoặc mạng không dây.
2018 Tesla: Chìa khóa thông minh của BMW được dự đoán sẽ nhanh chóng trở nên “lỗi thời” trước công nghệ chìa khóa mới trên Tesla Model 3. Nhờ ứng dụng tích hợp trên điện thoại di động, mẫu xe điện có thể được mở khóa thông qua kết nối Bluetooth, giảm nguy cơ người dùng bỏ quên chìa khóa trên phương tiện. Tuy nhiên, trong trường hợp điện thoại sập nguồn, ứng dụng cũng “chết” theo.