Nissan Việt Nam đứng trước nguy cơ bị truy thu thuế nhập khẩu

Tổng cục Hải quan cho rằng Nissan Việt Nam (NVL) không đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Bộ Công Thương, do đó doanh nghiệp này không đủ tiêu chuẩn để được ưu đãi thuế.

Trong công văn số 4106/TCHQ-TXNK gửi cho Cục Hải quan TP.Hà Nội, Tổng cục Hải quan đã căn cứ theo quy định hiện hành để đưa ra kết luận trên. Cụ thể, NVL hiện không có nhà máy lắp ráp mà thuê lại đơn vị khác để lắp ráp các linh kiện do NVL đứng tên nhập về, vì vậy không đáp ứng được quy định để được phân loại và tính thuế nhập khẩu cho các bộ linh kiện đã nhập theo thuế suất của từng linh kiện mà phải phân loại và tính thuế theo mức thuế của ô tô nguyên chiếc. Điều này đồng nghĩa với việc NVL có thể sẽ bị truy thu thuế hàng chục tỷ đồng.
 
Phản ứng trước vụ việc trên, NVL đã liên tiếp gửi 2 công văn “kêu cứu” tới Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng Tổng cục Hải quan đã hiểu sai bản chất vụ việc cũng như tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài chính là cơ quan cấp trên. NVL lý giải theo Công văn số 8035/BTC-TCHQ ngày 15/6/2012, Bộ Tài chính nhất trí với ý kiến của các Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công Thương về việc chính sách thuế cần thống nhất với mọi hình thức nhập khẩu (nhập trực tiếp, ủy thác hoặc nhập kinh doanh để bán cho cơ sở sản xuất, lắp ráp đều được hưởng một cách tính thuế như nhau). NVL thừa nhận chưa có các cơ sở sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam nhưng vẫn thực hiện chức năng sản xuất trong nước thông qua hợp đồng lắp ráp ký với Liên doanh ôtô Hòa Bình VMC, cụ thể là mẫu xe đa dụng Grand Livina. Theo thỏa thuận giữa hai bên, NVL nhập khẩu linh kiện CKD và bán lại toàn bộ cho VMC theo giá vốn để lắp ráp xe Nissan. Sau đó, NVL mua lại ô tô nguyên chiếc từ VMC để bán cho các đại lý. Trong quá trình sản xuất, NVL tiến hành hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo cho VMC cũng nhưng cung cấp các thiết bị gá lắp và các công cụ cần thiết cho việc lắp ráp ô tô theo tiêu chuẩn của Nissan. Vì thế, NVL cho rằng với quy định hiện hành về nhập khẩu linh kiện để lắp ráp ô tô trong nước được ưu đãi thuế thì các linh kiện NVL nhập khẩu từ năm 2009 tới 2011 cũng phải được ưu đãi thuế.
 
Vụ việc trên cũng đã gợi nhớ tới sự kiện tương tự diễn ra vào năm 2011 khi hàng loạt các liên doanh ôtô như Toyota, Ford, Honda… bị đề nghị truy thu thuế linh kiện. Các tranh cãi liên quan đến thuế nhập khẩu linh kiện ôtô xảy ra từ tháng 5/2010, cơ quan hải quan địa phương phát hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện chưa đảm bảo đủ tiêu chí rời rạc nhưng vẫn được ưu đãi thuế. Vì vậy cơ quan hải quan đề xuất truy thu thuế đối với các trường hợp này. Honda Việt Nam là một trong những đơn vị bị đề nghị truy thu nhiều nhất, với con số lên đến 3.340 tỷ đồng. Phản ứng của doanh nghiệp này trước sự việc gay gắt đến mức… dọa không đầu tư vào Việt Nam nữa. Cuối cùng vụ việc cũng êm xuôi sau khi có kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong tháng 8/2011.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn