Xe nhập về Việt Nam thấp nhất trong 6 tháng

Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về Việt Nam trong tháng 8 ở mức thấp nhất trong 6 tháng trở lại đây về cả giá trị và số lượng.  

Xe nhập
 
Theo các số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2016, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại đã giảm 21% về lượng và 11% về giá trị so với tháng trước, đạt mức 8.547 chiếc và 185 triệu USD.
 
Nếu xét về nguồn gốc xuất xe, Thái Lan vẫn là thị trường xe nhập lớn nhất của Việt Nam với 2.314 chiếc. Ấn Độ đứng thứ 2 với 1.455 chiếc. Tiếp đó đến Hàn Quốc (1.375 chiếc), Nhật Bản (652 chiếc) và Trung Quốc (530 chiếc).
 
Như vậy, đây là tháng thứ 5 liên tiếp nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc sang Việt Nam giảm xuống. Tháng 8 cũng là thời điểm ô tô nhập khẩu từ Ấn Độ “qua mặt” xe nhập từ Hàn Quốc.
 
Cộng dồn từ đầu năm, tổng cộng có 68.899 xe ô tô các loại được nhập khẩu về nước với kim ngạch gần 1,6 tỷ USD, giảm 8,1% về lượng và 16,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Từ đó cũng cho thấy xu hướng tăng nhập khẩu xe nhỏ, giá trị thấp, đồng thời giảm nhập khẩu xe sang. Một trong những nguyên nhân có thể là mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được điều chỉnh từ ngày 1/7. Theo đó, trong khi những người ngân sách hạn hẹp có cơ hội mua xe dung tích nhỏ thì không ít cơ sở phân phối xe sang dung tích lớn lại lo lắng trong việc tiêu thụ những dòng xe sang, xe dung tích lớn vốn đã rất kén khách.
 
Tuy nhiên, trong tương lai, xe nhập có thể sẽ “dễ thở” hơn với quy định ô tô được nhập từ các thị trường có tiêu chuẩn khí thải tương đương hoặc cao hơn Việt Nam không yêu cầu phải có bản chính giấy chứng nhận hoặc phiếu kiểm định chất lượng.  Cách đây không lâu, VCCI cũng đã lên tiếng đề nghị Bộ GTVT bỏ quy định thành phần hồ sơ xe nhập khẩu phải có giấy chứng nhận chất lượng hoặc phiếu kiểm tra chất lượng bản chính. Cơ quan này cho rằng quy định trên không khác gì Thông tư 20 đang gây tranh cãi trong thời gian qua và cũng đồng nghĩa một phương tiện phải được kiểm tra tới 2 lần. Đây là việc làm không cần thiết và tốn kém, hơn nữa các chi phí cuối cùng sẽ được đưa vào giá bán sản phẩm và chịu thiệt nhiều nhất vẫn là người tiêu dùng.