Vua trốn học và siêu xe Ferrari là bộ mặt nước Mỹ hôm nay?
“Ferris Bueller's Day Off” (Ngày nghỉ của Ferris Bueller) (1986) đã trở thành tuyên ngôn về thái độ sống và vận mệnh của thế hệ X (ứng với 6x, 7x). Nhưng phim có thông điệp đủ hiện đại để tâm sự với Thế hệ Y (8x, 9x).
Đặc biệt, đến nay, đoạn “Abe Froman, the Sausage King of Chicago” (Abe Froman, Vua Xúc xích Chicago) vẫn còn là được nhiều người “trích dẫn” như cách nói hài châm biếm đậm chất Mỹ.
Abe là viết tắt của Abraham, người cha được tôn kính có vị trí đặc biệt với người Do Thái, Cơ Đốc và Hồi giáo. Froman có gốc từ fro, trong tiếng Đức nghĩa là hạnh phúc kết hợp với man có nghĩa là người. Tổng hợp lại là cha của những con người hạnh phúc.
Tuy nhiên, đây cũng là cách chơi chữ. Bởi người Do Thái vốn cấm thịt lợn (họ coi lợn không sạch sẽ). Do đó, Abe Froman là Vua Xúc xích Chicago, thực chất là tay sản xuất loạt sản phẩm “không lành mạnh”. Abe Froman dẫn dắt người dân lạc lối trong thực phẩm không thân thiện với sức khỏe (cũng là cách “đá” ngành đồ ăn nhanh). Abe Froman… cũng như những phát ngôn đầy hùng hồn dẫn dắt nước Mỹ hôm nay.
Đặc biệt, khi bộ phim này ra mắt dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, người mà báo chí phương Tây cho rằng có nhiều điểm giống Donald Trump. Cả hai đều là ngôi sao truyền hình (Reagan vốn là diễn viên hạng B, Trump có chương trình thực tế). Cả hai đều có ít kinh nghiệm chính trị trước khi làm tổng thống. Cả hai đều từng là người của Dân chủ trước khi sang Cộng hòa. Cả hai cùng phản đối dòng chảy nhập cư mạnh mẽ. Cả hai đều bảo vệ quyền sử dụng súng. Cả hai đều tôn vinh “nước Mỹ trên hết” (câu của Donald Trump thực ra là nhái câu “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Reagan). Cả hai trải qua thời kỳ tranh cử có nhiều điểm tương tự. Cả hai đều là Tổng thống… từng ly dị. Đặc biệt, lực lượng đã đẩy Reagan vào Nhà Trắng không quá khác biệt với bối cảnh Trump của hôm nay.
Nước Mỹ trong những năm 1980 trải qua một trong những giai đoạn tăng trưởng lớn nhất: thuế thu nhập cá nhân giảm mạnh từ 70% xuống còn 28%. Điều này cũng được cài vào trong phim qua chi tiết nhỏ. Mẹ của Ferris (Matthew Broderick) nói với con: Con sẽ tìm được mẹ nhanh chóng, vì “Hôm nay, mẹ sẽ giới thiệu nhà cho gia đình đến từ Vermont. Vì vậy mẹ sẽ ở trong thành phố thôi”. Câu này cho thấy người dân Mỹ đã bắt đầu có tiền để di chuyển đến vùng ngoại ô Chicago và mua căn nhà đủ đắt tiền để mang lại khoản hoa hồng cho bà đến mức “Mẹ định lấy hoa hồng và mua xe cho Ferris”.
Điều đáng lưu ý là nhân vật Abe Froman xuất hiện dưới trò giả mạo của Ferris. Nhưng cũng không phải nhân vật duy nhất mà cậu học sinh trung học này giả mạo (khiến ta không khỏi nhớ đến Frank Abognale Jr. do Leonardo di Caprio thủ vai trong Catch Me If You Can). Cậu có thể giả mạo người khác một cách tài tình, cho thấy một nền kinh tế nhìn bề ngoài thì khỏe mạnh, nhưng có lẽ chỉ là “giả mạo” - mà các nhà kinh tế dùng thuật ngữ nhã nhặn hơn: (giá trị) danh nghĩa.
Trước khi Reagan vào Nhà Trắng, Mỹ là chủ nợ lớn nhất thế giới. Khi ông rời khỏi đó, Mỹ là con nợ là lớn nhất thế giới. Tỷ lệ nợ công trên GDP đã tăng từ 26,1% (1980) lên 41% (1988). Xét về trị tuyệt đối, nợ công tăng gần ba lần.
Nếu Ferris không trốn học, hôm đó cậu sẽ được học về các khoản nợ chồng chất mà từng người đang phải chật vật trả bằng thuế phí. Bài giảng Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley được thực hiện bởi nhà kinh tế Ben Stein - sau đó đã trở thành biểu tượng cho kiểu giáo viên buồn tẻ (điều thú vị là Stein ủng hộ Donald Trump). Một ẩn dụ. Nếu nước Mỹ thay vì “đi nghỉ” như Ferris mà chú ý hơn một chút, có lẽ họ sẽ nhìn thấy thảm họa và chuẩn bị đối phó.
Một trong những chính sách của Reagan là tìm cách thúc đẩy sức mua theo cách rót tiền “chảy xuống” từ trên xuống tầng lớp thu nhập trung và thấp. Nhưng đến cả chuyện đơn giản như việc báo xin nghỉ học cho một cậu học sinh lại diễn ra loằng ngoằng phức tạp qua nhiều lớp, chỉ để ra một thông tin dường như chẳng mấy liên quan: Tối qua, Ferris đã không đến chỗ đàn đúm, chứng tỏ bị ốm. Thử hỏi, khi ứng dụng ra một hệ thống với hàng triệu con người, thì sự trì trệ này sẽ tốn kém đến chừng nào?
Vậy tiền đi đâu? Chỗ trú ngụ của đồng tiền được hình tượng hóa bằng chiếc Ferrari 150 GT California 1961, chỉ có 100 chiếc trên thế giới. Nước Mỹ phóng đi như một chiếc siêu xe, với những con người yêu xe hơn mạng sống. Chính những con người hoài nghi này là lực lượng chính đưa Donald Trump thắng cử. Họ hoài nghi. Ferris Bueller’s Day Off là lời tiên tri cho nước Mỹ. Phóng cực nhanh, nhưng giá cực đắt và khi đã đi quá giới hạn, không thể đảo ngược. Giảm thuế kích thích tăng trưởng, nhưng phung phí thì không. Chính phủ mạnh tay chi tiêu sẽ được ghi nhận vào tăng trưởng GDP, nhưng chỉ là thành tích danh nghĩa.
Trong phim, có hai nhân vật tìm mọi cách vạch trần trò trốn học của Ferris. Cả hai dừng bước theo những cách khác nhau. Một là sau khi đối mặt với công lý (có thêm “bác sĩ tâm lý”). Một là sau khi bị bóc mẽ. Người thứ hai này quyết định dừng lại sau khi “mất tất cả”. Chiếc ví của ông ta bị ném cho con chó có nhiệm vụ bảo vệ nhà cửa - đại diện cho sự minh bạch, bắt đầu từ tài chính - thu nhập, trước các lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ xã hội. (Giai đoạn này người ta đã nhận thức được sự phát triển của truyền hình cáp và MTV). Kết thúc phim đưa nhân vật này lên chiếc xe buýt cũng đáng suy ngẫm: hòa mình vào cuộc sống của người dân, để thấu hiểu mà không phải ngồi trong phòng rồi ra chính sách.
Tuy nhiên, Ferris Bueller’s Day Off lại là tác phẩm khá mâu thuẫn. Một mặt chỉ trích chính sách của Đảng Cộng hòa cầm quyền “không hiệu quả và Hoa Kỳ lún sâu hơn vào cuộc Đại khủng hoảng”. Mặt khác, nhân vật chính Ferris - người khiến ai cũng thấy cậu ta là “chàng trai tốt”, nhưng thành tích trốn học thì dẫn đầu trường bằng vài thủ thuật cùng khả năng của một hacker - cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ phong cách Tổng thống Cộng hòa Reagan khi ấy và Trump hiện nay.
Chính Ferris đến cuối phim bỗng hoài nghi: Cậu không biết sẽ duy trì mối quan hệ tình cảm như thế nào khi cậu chuẩn bị tốt nghiệp, trong lúc bạn gái còn một năm nữa ở trường trung học, dù vẫn tự tin hai người sẽ mãi mãi hạnh phúc như truyện cổ tích. Một chi tiết thú vị khác là anh trông xe (người nhập cư) cũng là nhân vật duy nhất “xỏ mũi” được Ferris. Có lẽ, cuối cùng, chính đạo diễn John Hughes vốn yêu phong cách của Reagan cũng trở nên hoài nghi và hoang mang (có thể do nhà biên kịch không ưa Reagan lắm).
Thế nên, khi Ferris trốn học, chính bản thân cậu cũng đánh mất cơ hội để hiểu rằng: Tương lai của cậu không có Ferrari đâu, mà là nợ nần! Nói cách khác, thành công bằng ma lanh rồi cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu. Tất cả chỉ là một cơn gió lộng thổi tung những lá cờ tập hợp của đám cơ hội và khôn lỏi!