VinFast đã đạt tỷ lệ nội địa hóa 60%, hướng tới đạt hơn 80% năm 2026
Tại buổi tọa đàm về Nội địa hóa ô tô VinFast vào ngày 12/12/2024, đại diện VinFast đã công bố chiến lược gia tăng tỷ lệ nội địa hóa lên khoảng 84% từ nay đến năm 2026, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.
Từ những năm 90, Việt Nam đã mong muốn thiết kế chương trình công nghiệp hoá nên đã có 1 số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới Việt Nam trong lĩnh vực phát triển công nghiệp ô tô. Từ Toyota, Isuzu, Hyundai, Deawoo, Ford… đến năm 1995, có 11 hãng ô tô trên thế giới vào Việt Nam để phát triển dây chuyền lắp ráp đầu tiên.
Đối với những nhà đầu tư đó, ban đầu Chính phủ cho họ ưu đãi khá cao trên cơ sở cam kết tạo lao động cho Việt Nam và tỷ lệ nội địa hóa. Nhà đầu tư nào cũng cam kết sau bao nhiêu năm đc bao nhiêu %, phần lớn cam kết khoảng 30% nội địa hóa cho Việt Nam sau 10-15 năm và chuyển giao công nghệ, cam kết xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, thự tế sau từng ấy năm, phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dùng các doanh nghiệp phụ trợ do họ mang từ bên ngoài vào Việt Nam, và được hưởng ưu đãi như họ. Với ưu đãi như vậy, thì các ngành phụ trợ ở Việt Nam không thể có cơ hội phát triển được khi chúng ta vẫn chịu mức thuế cao hơn, ban đầu là 25%, sau đó 22%, rồi 17% thuế thu nhập doanh nghiệp... trong khi doanh nghiệp nước ngoài thì 10%.
Điều này không những không phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam mà còn làm mất ưu thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước ngay trên sân nhà. Hiện tại, theo Bộ Công thương công bố, Việt Nam chỉ có khoảng 3.400 doanh nghiệp phụ trợ cho tất cả các ngành khác nhau, chưa nói là ô tô. Tỷ lệ nội địa hóa của nhà cung cấp công nghiệp phụ trợ của Thái Lan cao hơn Việt Nam rất nhiều, đơn giản là từ đầu Thái Lan đã được chọn làm nơi làm phụ trợ rồi. Vì đã có ở Thái Lan nên họ không đầu tư vào Việt Nam nữa.
Bức tranh hiện tại cho thấy phần lớn các doanh nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam có Quy mô nhỏ lẻ, là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu sự đầu tư về công nghệ và năng lực sản xuất. Điều này dẫn đến Khả năng cạnh tranh thấp khi sản phẩm của các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước thường khó đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và giá cả so với các nhà cung cấp quốc tế. Đồng thời, họ đang Thiếu liên kết trong chuỗi cung ứng bởi các doanh nghiệp nội địa còn thiếu sự kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước thực trạng này, ngay từ khi gia nhập ngành công nghiệp sản xuất ô tô, VinFast đã đặt ra một mục tiêu rõ ràng là không chỉ sản xuất xe mà còn thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển mạnh mẽ hơn, từ đó gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.
Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Lê Ngọc Anh – Giám đốc nhà máy ô tô VinFast – cho biết, ngay từ khi thành lập, VinFast đã xác định không đi theo con đường lắp ráp thông thường mà trở thành một nhà sản xuất ô tô thực thụ. Chỉ có như vậy mới có thể thúc đẩy mạnh mẽ được sự phát triển của các doanh nghiệp phụ trợ trong nước, đồng thời giảm phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện.
Tại tổ hợp nhà máy hiện đại hàng đầu thế giới, VinFast dành ra hơn 30% diện tích trong khuôn viên tổ hợp để phát triển khu công nghiệp phụ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, VinFast đã chủ động sản xuất các cấu phần quan trọng như thân vỏ, động cơ… nhờ các xưởng sản xuất có mức độ tự động hóa trên 90%, đảm bảo chất lượng và quy mô sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tại trong nhà máy VinFast có các xưởng: dập, hàn, lắp ráp, động cơ… đều được lắp đặt trên dây chuyền hiện đại, tiên tiến bậc nhất thế giới của Đức, Áo, Hàn Quốc…
Hiện tỉ lệ nội địa hóa của xe điện VinFast đã đạt hơn 60%, bao gồm các chi tiết quan trọng như thân vỏ, động cơ, trần xe, giảm xóc. Đây là một thành tựu đáng chú ý trong bối cảnh ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn non trẻ.
VinFast đã xây dựng một lộ trình rõ ràng nhằm nâng tỉ lệ nội địa hóa từ hơn 60% hiện nay lên 84% vào năm 2026 thông qua việc sản xuất và cung ứng trong nước thêm các chi tiết như: Ghế xe, dây điện, đèn xe, vành xe, hệ thống phanh - lái, các linh kiện nội thất và ngoại thất, kính gương… Tỷ lệ nội địa hóa sẽ đạt 84% vào năm 2026 khi VinFast sản xuất được pin điện, một trong những linh kiện có giá trị cao nhất trong xe điện.
Đạt được những mục tiêu trên, VinFast sẽ triển khai một loạt các chiến lược và giải pháp cụ thể gồm:
1. Phối hợp với các đối tác có sẵn sự hiện diện tại Việt Nam
Tận dụng mạng lưới doanh nghiệp phụ trợ sẵn có để tối ưu hóa nguồn cung trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Với các đối tác nội địa: Kết hợp với các doanh nghiệp Việt Nam đã có kinh nghiệm sản xuất phụ tùng, linh kiện hoặc các lĩnh vực hỗ trợ như logistics, lắp ráp, gia công… nhằm giảm chi phí vận chuyển, tăng tốc độ cung ứng, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.
Với các đối tác FDI tại Việt Nam: Kết hợp với các doanh nghiệp FDI đã có tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ hoặc sản xuất linh kiện, giúp tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ cao và kỹ năng quản lý hiện đại.
2. Hợp tác chuyển giao công nghệ
VinFast sẽ làm việc với các công ty có chuyên môn về thiết kế, sản xuất các linh kiện phức tạp, và đòi hỏi chất xám, công nghệ hàng đầu thế giới để hợp tác chuyển giao công nghệ cho các công ty đối tác hiện tại của VinFast tại Việt Nam. Đồng thời phát triển năng lực nội bộ bằng cách đào tạo đội ngũ kỹ sư và công nhân Việt Nam để vận hành công nghệ một cách hiệu quả và sáng tạo. Mục tiêu là đưa công nghệ tiên tiến về Việt Nam, từ đó nâng cao năng lực sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm nội địa.
Hoạt động này sẽ giúp tăng tính chủ động trong chuỗi cung ứng, giảm chi phí nhập khẩu, và từng bước xây dựng hệ sinh thái sản xuất bền vững.
3. Kêu gọi đầu tư, hợp tác cùng phát triển
VinFast sẽ tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn và kinh nghiệm từ cả trong và ngoài nước nhằm xây dựng chuỗi cung ứng nội địa mạnh mẽ. Cụ thể, VinFast sẽ kêu gọi đầu tư FDI mới, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất linh kiện trong tổ hợp nhà máy VinFast. Song song, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và tham gia vào chuỗi cung ứng của VinFast.
Với lợi thế sẵn có, VinFast có thể mang tới những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng khi: Kết nối doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam với các đối tác toàn cầu. Phát triển hệ sinh thái chuỗi cung ứng bằng cách hỗ trợ xây dựng các trung tâm hỗ trợ sản xuất trong khu vực nhà máy, nơi các doanh nghiệp phụ trợ có thể tiếp cận nhanh chóng với các yêu cầu kỹ thuật và nguồn lực cần thiết. Và điều quan trọng hơn cả là VinFast Đảm bảo đầu ra ổn định khi cam kết ký hợp đồng dài hạn với các doanh nghiệp phụ trợ đủ tiêu chuẩn, tạo điều kiện để họ mở rộng quy mô và cải tiến sản phẩm.
Như vậy, chiến lược gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của VinFast không chỉ là mục tiêu kinh doanh mà còn là một phần trong sứ mệnh đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Với sự đầu tư bài bản, các mục tiêu chiến lược và cam kết lâu dài, VinFast không chỉ từng bước hiện thực hóa mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 80% vào năm 2026 mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ và bền vững, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững cho Việt Nam trong tương lai.