Thói quen “điền vào chỗ trống” khiến nạn kẹt xe thêm tồi tệ
Một nghiên cứu mới từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ kết luận việc các tài xế cố gắng “bám đuôi” xe trước có thể chỉ khiến tình trạng ùn tắc giao thông thêm “tuyệt vọng”.
Ùn tắc giao thông là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của các thành phố lớn trên thế giới. Các chuyên gia từ MIT cho rằng thay vì bám quá sát nhau, giữ một khoảng cách nhất định với các phương tiện phía trước và phía sau nhờ nâng cấp công nghệ điều khiển hành trình hiện tại có thể giúp các tài xế giảm thời gian di chuyển tới 50%.
Phương pháp Viện đề xuất có tên gọi “kiểm soát song phương”. Hầu hết các hệ thống hiện nay chỉ được trang bị cảm biến trước nhưng việc bổ sung cảm biến ở cả cản trước và sau được kỳ vọng sẽ tạo ra sự khác biệt.
Các chuyên gia tin rằng giao thông sẽ thông suốt hơn ngay cả khi chỉ một tỷ lệ nhỏ các xe đi kèm công nghệ này. Và nếu tất cả các xe đều sử dụng, hiện tượng tắc nghẽn giao thông gần như biến mất hoàn toàn.
Giáo sư Berthold Horn – đồng tác giả nghiên cứu – nhận định: “Con người chúng ta có xu hướng quan sát những gì đang diễn ra trước mắt theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tuy nhiên, thói quen quan sát giao thông ở phía trước và sau có thể sẽ đem lại sự khác biệt lớn về thời gian cũng như mức tiêu thụ nhiên liệu mà không cần đến những thay đổi về cơ sở hạ tầng”.
Nghiên cứu cũng tiết lộ trung bình, một người Mỹ lãng phí 38 giờ cùng 72 lít nhiên liệu mỗi năm vì tắc nghẽn giao thông. Không những vậy, tình trạng ùn tắc còn khiến một người tham gia giao thông “đóng góp” tới 172kg CO2 vào bầu khí quyển. Ước tính, mỗi năm người Mỹ tiêu tốn 121 tỷ USD vì vấn đề này.
Tin tổng hợp
Tin mới
Hơn 70.000 người truy cập tình hình giao thông ở bản đồ số TP.HCM
04/02/2017 | 13:31