“Rùng mình” cảnh người dân nhảy nóc tàu đi làm
Trong một bộ ảnh có tựa đề Nothing To Hold On To (Tạm dịch: Không có gì để bám víu), nhiếp ảnh gia GMB Akash đến từ Bangladesh đã phản ánh tình trạng nghèo khổ của hàng nghìn người dân lao động nước này. Vì không có tiền mua vé tàu đi làm, họ phải bất chấp tính mạng và chọn cách ngồi trên nóc hay bám vào những toa tàu đang chạy để tiết kiệm chi phí.
Bằng trải nghiệm thực tế, Akash bị cuốn vào câu chuyện của những người dân địa phương hàng ngày vẫn đánh cược cả mạng sống của mình chỉ để trốn vé tàu. Ông cho biết: “Khi tàu lăn bánh, chân bạn sẽ bị rung và như một phản xạ tự nhiên, bạn cần bám vào một thứ gì để giữ thăng bằng nhưng đối với họ, điều đó là không thể”.
Người đàn ông này có thể “trốn” được 60 taka tiền vé (tương đương 0,8 USD) bằng cách ngồi trên nóc tàu. Khi so sánh với thu nhập hàng ngày (tối đa) 120 taka (1,5 USD), rõ ràng, chi phí đi lại chiếm một phần không nhỏ trong số tiền ít ỏi mà ông kiếm được.
Để nắm bắt được những khoảnh khắc đó, Akash đã phải đi theo họ trong những cuộc hành trình mạo hiểm. Nhiếp ảnh gia chia sẻ: “Sau nhiều lần đụng phải dây điện, tôi tự nhủ sẽ không tiếp tiếp tục công việc này nhưng tôi không thể dừng lại”.
Ngoài việc phản ánh chân thực cuộc sống của một tầng lớp người dân nghèo khổ, trong những tác phẩm của Akash còn là hình ảnh những con người tích cực và lạc quan cho dù mỗi ngày, họ phải đối mặt với không ít khó khăn và mỗi chuyến đi là một lần đối mặt với tử thần.
Hình ảnh “nhảy tàu” ở Bangladesh bỗng thấy gợi lại không khí Hà Nội khi xưa. Cũng các “anh” nhảy tàu, từ chuyên gia đến tay gà mờ, từ dân bụi đời đến những người biết chữ. Nhiều người gãy chân vì nhảy tàu, nhưng cấm là chuyện của nhà tàu và cảnh sát, còn việc ta ta cứ nhảy. Ngày nay, nhảy tàu tập trung chủ yếu trên đường ray, nơi hàng chục người, cả phụ nữ và đàn ông, chủ yếu dân bán hàng, gọi nhau bám vào thành tàu đang chạy rồi lẻn qua các ô cửa. Còn ở Hà Nội, tàu điện không còn, thay vì nhảy tàu, người ta… nhảy vỉa hè. Đường chật, xe đông, vỉa hè cũng tấp nập, kèn cựa nhau chẳng kém gì dưới lòng đường.