Lỏng lẻo quản lý ôtô cũ – nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí
Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, hàng triệu phương tiện cơ giới đã qua sử dụng được xuất khẩu từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản sang các nước đang phát triển thường có chất lượng kém và đang góp phần đáng kể vào sự ô nhiễm không khí.
Báo cáo được công bố bởi chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (Unp), cho thấy khoảng 80% trong số 14 triệu ôtô đã qua sử dụng đã được xuất khẩu từ năm 2015 tới năm 2018 đến các nước có thu nhập thấp và trung bình. Khoảng 40% những loại xe này đã được chuyển đến châu Phi.
EU là nhà xuất khẩu xe đã qua sử dụng lớn nhất, với 7,5 triệu xe, chủ yếu chuyển tới phía bắc và tây châu Phi.
Báo cáo cho biết, tuổi đời và chất lượng kém của các phương tiện này đang cản trở nỗ lực giảm thiểu khủng hoảng khí hậu. Phương tiện giao thông là một tác nhân lớn gây ra ô nhiễm không khí và phá vỡ khí hậu. Trên toàn cầu, lĩnh vực giao thông vận tải chịu trách nhiệm cho gần ¼ lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến các vấn đề năng lượng. Cụ thể, khí thải xe cộ là nguồn khí thải đáng kể của các chất thải dạng mịn (PM2.5) và các oxit nito (Nox). Đây là những nguyên nhân hàng đầu gây ra ô nhiễm không khí đô thị.
Báo cáo cho thấy 2/3 trong số 146 quốc gia được nghiên cứu có chính sách “yếu” hoặc “rất yếu” trong việc điều tiết vấn đề nhập khẩu xe đã qua sử dụng. Hiện tại, thế giới không có hiệp định khu vực hoặc toàn cầu về việc mua bán xe đã qua sử dụng. Tổng cộng có 100 quốc gia không có tiêu chuẩn liên quan tới khí thải xe cộ.
Theo báo cáo, Nigeria là quốc gia có chính sách quy định “rất yếu”. Nước này đã nhập khẩu 238.760 xe trong năm 2018, chiếm 16% tổng lượng xe nhập khẩu. Năm 2016, thành phố phía nam Onitsha được mệnh danh là thành phố ô nhiễm nhất thế giới khi một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm là do chất lượng dầu diesel kém từ các loại ôtô và xe tải.
Inger Andersen, giám đốc điều hành của Unp cho biết: Việc thiếu các tiêu chuẩn và quy định hiệu quả dẫn đến việc bán phá giá các phương tiện cũ, gây ô nhiễm và không an toàn. Các nước phát triển phải ngừng xuất khẩu các phương tiện không đạt yêu cầu về môi trường, đồng thời kiểm tra an toàn về chất lượng các xe cũ trước khi xuất khẩu. Các nước nhập khẩu nên đưa ra những tiêu chuẩn chất lượng mạnh mẽ hơn nữa. Trong những năm qua, các nước phát triển xuất khẩu ngày càng nhiều các phương tiện đã qua sử dụng của họ sang các nước đang phát triển hoặc nước nghèo. Điều này diễn ra một cách tự do, thiếu kiểm soát, khiến cho các phương tiện gây ô nhiễm được xuất khẩu một cách dày đặc.
Nhiều quốc gia châu Phi đang thực hiện các động thái để chống lại vấn đề này. Vào tháng 2 vừa qua, 15 bộ trưởng năng lượng từ Cộng đồng Kinh tế của các quốc gia Tây Phi, Ecowas đã nhóm họp để thông qua các quy định giúp khu vực này chuyển sang sử dụng nhiên liệu và phương tiện “sạch” hơn. Quy định khuyến nghị tuổi tối đa của các ôtô đã qua sử dụng nên là 5 năm.
Mặc dù Kenya đã thông qua các quy định nghiêm ngặt chống ô nhiễm không khí vào năm 2014, các nhà chức trách cho biết khí thải giao thông tiếp tục là nguyên nhân gây ô nhiễm hàng đầu tại các thành phố lớn của đất nước.
Mamo B Mamo, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Môi trường Quốc gia tại Kenya cho biết vấn đề trở nên trầm trọng hơn do việc nhập khẩu xe cũ. Cũng như ô nhiễm không khí, các báo cáo cho biết những phương tiện đã qua sử dụng có nhiều khả năng gây ra tai nạn chết người hoặc những thương tích nghiêm trong do các lỗi cơ học và an toàn. Châu Phi có tỉ lệ tử vong trên đường phố cao nhất, hiện ghi nhận 240.000 ca tử vong hàng năm.