Đồ nội thất được chế tạo lại từ “tàn tích” của một chiếc ôtô

Trong lễ hội Thiết kế Luân Đôn 2023 diễn ra vào nửa cuối tháng 9/2023, nhà thiết kế Masebo đã trình bày kết quả của việc tháo rời chiếc Alfa Romeo 145 Cloverleaf 1998 biến nó thành một loạt đồ nội thất.

Đối với nhà thiết kế Andu Masebo, ôtô là một 'lãnh thổ phong phú' của những câu chuyện. Việc mở rộng vùng phát thải cực thấp (ULEZ) gần đây ở thủ đô Vương quốc Anh, thu phí lái xe trên đường đối với những ôtô không tuân thủ, đã gây ra các cuộc tranh luận gay gắt, trong đó ôtô bị lên án là kẻ hủy hoại môi trường. Nhưng đối với Masebo, chính những câu chuyện về  tô đã thu hút anh nhất.

Masebo đã từng mua một chiếc Alfa Romeo cũ trên Ebay trước khi mổ xẻ và nhặt rác để lấy các bộ phận.

Sau đó, các bộ phận này được biến thành một nhóm nhỏ đồ nội thất và đồ gia dụng, được dẫn dắt bởi ngôn ngữ hình ảnh riêng biệt của chiếc xe và câu chuyện từ những người chủ cũ của nó.

Masebo cho biết: “Tôi nảy ra ý tưởng nhìn một chiếc ôtô xem nó có ý nghĩa như thế nào với con người, và mối liên hệ cảm xúc mà bạn tạo ra với chiếc ôtô đó. Vì vậy, nếu tôi có thể tìm thấy một chiếc ôtô sắp hết tuổi thọ, và bằng cách nào đó tôi có thể tìm ra cuộc sống của nó như thế nào: những người mà nó đã tiếp xúc, những nơi nó đã đi, những thứ nó đã thấy… thì tôi thực sự có thể làm sống lại những câu chuyện đó.

Hai trong số những món đồ nội thất, một chiếc bàn cà phê hình hộp và một chiếc kệ phù hợp, được thiết kế chỉ để khám phá chiếc xe và những gì có thể làm được với hình dáng đặc biệt của nó.

Đối với ngăn đựng đồ độc lập, Masebo đã tái sử dụng các phần của cửa ra vào và khung cửa sổ cùng với một trong các gương cánh để tạo thành bốn kệ không đối xứng.

Cách tiếp cận của nhà thiết kế là một hành động cân bằng giữa việc điều chỉnh các bộ phận của ôtô vừa đủ để ngụy trang chức năng ban đầu của chúng, và tránh trông có vẻ nhàm chán, nhưng không đến mức thay đổi hoàn toàn để không thể nhận ra.

Phối hợp với xưởng dệt tái chế Greater Goods, nhà thiết kế đã làm lại lớp bọc có họa tiết logo của chiếc xe thành một loại vải chắp vá và dùng nó để tạo ra một chiếc giường ngủ thấp.

Tác phẩm này được thiết kế để thể hiện câu chuyện về một nhà sưu tập Alfa Romeo đầy nhiệt huyết, người đã giúp Masebo tháo rời chiếc xe.

Nhà thiết kế giải thích: “Anh ấy gặp người vợ hiện tại của mình khi còn học đại học và khi đó cả hai đều có quan hệ tình cảm với người khác. Nhưng sau này, họ thường lái xe cùng nhau trên ôtô như một cách để dành thời gian bên nhau và tìm hiểu nhau.Vì vậy, tôi muốn tạo ra một vật thể ở nơi mà bạn có thể thân mật với ai đó nhưng cũng không nhất thiết phải vi phạm bất kỳ quy tắc nào”.

Năm phần còn lại tương ứng với từng chủ sở hữu cũ của chiếc xe, những người mà Masebo đã theo dõi nhờ lịch sử bảo dưỡng của chiếc xe và phỏng vấn trong suốt sáu tháng.

Một chiếc đèn ngủ được tạo ra bằng cách sử dụng các bộ phận của động cơ ôtô. Chiếc đèn hắt ra những tia sáng gây tò mò, phản ánh câu chuyện cuộc đời của người chủ sở hữu đầu tiên của chiếc ôtô. Masebo nói: “Khi đang lái chiếc Alfa Romeo thì chồng cô ấy qua đời nhưng cô vẫn cảm nhận được sự hiện diện của chồng qua những chuyến phiêu lưu đi đến đỉnh Everest hay Nam Cực…, bởi khi còn sống, anh luôn nói với cô rằng: mọi thứ sẽ ổn thôi”.. Vì vậy,nhà thiết kế đã chọn chiếc đèn ngủ làm biểu tượng cho sự hiện diện an ủi trong thời kỳ “tối tăm” đó. Anh chia sẻ thêm: “Tôi luôn tạo ra những đồ vật khá đơn giản, đôi khi tạo ra những câu chuyện sâu sắc”.

Không phải tất cả các câu chuyện của chủ sở hữu đều sâu sắc như vậy, nhưng Masebo thích khám phá những điều tầm thường và táo bạo cũng như những sự thật đau lòng. Một chiếc kệ với các ngăn ẩn được làm từ cánh ôtô, lấy cảm hứng từ người chủ mua xe ở độ tuổi đôi mươi. Anh ấy thường hay giấu đồ trong những ngăn nhỏ của xe để bố mẹ không tìm thấy được.

Khi một chủ sở hữu khác nói rằng “chiếc xe gắn bó với họ, trở thành một thứ không thể thiếu với cả gia đình”, Masebo đã chế tạo một giá treo quần áo bằng cách sử dụng hai thanh kim loại đã từng là bộ phận giữ dây an toàn trên chiếc xe.

Ngoài ra còn có một kệ đứng độc lập, một giá đựng rượu, một bàn cà phê cỡ lớn, một chiếc giường nhỏ. Mỗi đồ vật sử dụng một bộ phận khác nhau của chiếc xe, từ thân xe cho đến bánh xe và mỗi bộ phận đều được Masebo hàn bằng tay. Anh thừa nhận rằng quá trình thiết kế là một sự cân bằng cẩn thận: muốn cảm nhận được sự hiện diện của chiếc xe trong các vật thể, trong khi không muốn tạo ra bất cứ thứ gì thô kệch, thiếu thẩm mỹ.

Nhà thiết kế cho biết: “Cách bền vững nhất để tái chế một chiếc ôtô không phải là biến nó thành đồ nội thất, đồng thời giải thích rằng hệ thống nấu chảy những chiếc ôtô phế liệu và sử dụng kim loại cho những mục đích sử dụng mới hiện nay là một cách tiếp cận hiệu quả hơn. Anh hy vọng công trình này chỉ ra một thế giới trong đó mọi người “từ bi” hơn với vật chất, bao gồm cả ý nghĩa của chúng và cách chúng được sử dụng theo thời gian”.

Dự án không tranh luận về triết lý "từ đầu đến đuôi" trong việc sử dụng mọi bộ phận của ôtô, vì các bộ phận lớn bao gồm cả khung xe vẫn bị loại bỏ.

Thay vào đó, Masebo hy vọng khám phá cách chúng ta có thể giữ được cảm giác tôn trọng và trách nhiệm đối với những thứ chúng ta từng sở hữu.

Anh nói: “Cuối cùng, dự án không khuyến khích mọi người ra ngoài và tháo chiếc xe của họ ra để biến nó thành đồ nội thất. Đó thực sự là một cách không hiệu quả để tạo ra đồ vật. Điều quan trọng hơn là làm thế nào chúng ta có thể thay đổi cách chúng ta cảm nhận về những đồ vật mà chúng ta đang sống cùng”.

Những gì còn lại của chiếc xe cuối cùng đã bị loại bỏ

Khai thác bối cảnh đầy cảm xúc và lịch sử của các đồ vật dường như là mối bận tâm của Masebo trong quá trình thực hành thiết kế. Đó là điều mà anh ấy hy vọng sẽ được tiếp tục trên hành trình của mình.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn