Con người không sống nổi nếu thiếu xe hơi?
Một nghiên cứu được phát hành ngày 16/9 tại Frankfurt Motor Show cho thấy đa số người dân trên thế giới không thể tưởng tượng cuộc sống của họ sẽ thế nào nếu vắng bóng xe hơi.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Tổ chức quốc tế của các nhà sản xuất phương tiện cơ giới (OICA) với sự tham gia của 14.000 người đến từ 18 quốc gia trên thế giới. Kết quả cho thấy 57% người dân cảm thấy cuộc sống sẽ khó khăn hơn nếu không được tiếp cận những chiếc xe bốn bánh.
Cụ thể, 78% người dân châu Phi, 63% người Mỹ, 56% người châu Âu không biết họ sẽ phải xoay xở ra sao nếu thiếu xe hơi. Trong khi đó, con số tại châu Á là 48%.
Matthias Wissmann, Chủ tịch Hiệp hội ngành công nghiệp ô tô Đức, cũng là phó chủ tịch OICA, cho biết: “Kết quả đã quá rõ ràng khi ô tô được coi là một phương tiện đi lại quan trọng, ưu thế hơn nhiều so với những phương tiện giao thông khác. Bản thân ngành công nghiệp ô tô cũng được đánh giá cao nhờ sự tin cậy và tính sáng tạo”.
Tuy nhiên, “triều đại” của xe hơi đang bị đe dọa khi ngày càng nhiều người dân chuyển đến sinh sống ở những thành phố lớn. Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO, 54% dân số thế giới tập trung ở các khu đô thị và con số này dự kiến tăng lên 66% vào năm 2050. Tại đây, tình trạng tắc nghẽn giao thông khiến việc sở hữu một chiếc xe trở nên tốn kém và bớt hiệu quả, đặc biệt khi các loại hình giao thông công cộng và dịch vụ đi chung xe ngày càng phổ biến. Ở một số thành phố như New York hay Tokyo, ô tô bị cho là phương tiện di chuyển “chậm chạp” nhất. Bởi vậy, ở các khu vực cuộc khảo sát của OICA cho thấy nhu cầu mạnh mẽ nhất cũng tương ứng với những nơi cơ sở hạ tầng giao thông công cộng còn chưa phát triển.
Không thể phủ nhận thực tế rằng các hãng xe đang tích cực bổ sung những công nghệ tiên tiến giúp xe hơi trở nên an toàn và tin cậy hơn. Tuy nhiên, số lượng các ca tử vong do tai nạn đường bộ vẫn tăng mạnh ở các quốc gia đang phát triển khi ngày càng nhiều người có cơ hội tiếp cận loại phương tiện này.
WHO cho biết tai nạn xe hơi là nguyên nhân thứ 5 dẫn đến tử vong tại các nước đang phát triển, trong khi tình trạng ô nhiễm không khí đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Mặc dù vậy, tính chung nửa đầu năm 2015, nhu cầu xe mới vẫn tăng 1,4% lên 36,1 triệu xe trên toàn thế giới. Mức tăng “khiêm tốn” một phần là do nhu cầu sụt giảm tại thị trường Trung Quốc trong bối cảnh đà tăng trưởng kinh tế chậm lại trong những tháng qua.