“Tân trang” xe máy đón Tết sao cho tiết kiệm

Gần Tết là thời điểm nhiều người thường đem xe máy đi bảo dưỡng để đón năm mới. Dù vậy, người dùng cũng nên có những thông tin nhất định để tránh bị “chặt chém” hoặc tốn tiền thay thế những bộ phận chưa thực sự cần thiết.

 
Lựa chọn cơ sở uy tín
Việc đầu tiên cần làm là lựa chọn cơ sở bảo dưỡng uy tín để “gửi gắm” chiếc xe, có thể dựa vào gợi ý của bạn bè, người thân hoặc những kinh nghiệm trước đó. Một số người có tâm lý tìm đến những cửa hàng lớn vì tin tưởng vào đội ngũ chuyên nghiệp, chất lượng phụ tùng cũng đảm bảo hơn. Tuy nhiên, suy nghĩ này không phải lúc nào cũng đúng.
 
Vào thời điểm cận Tết, do lượng khách hàng đông hơn bình thườn, nên các nhân viên tại đây có thể không đủ thời gian và sự tập trung để chăm chút cho chiếc xe của bạn, chưa kể đến chi phí dịch vụ thường cao hơn những cửa hàng nhỏ. Bởi vậy, theo lời khuyên của những người thợ sửa chữa lâu năm, tốt nhất nên tìm đến địa chỉ quen thuộc. Không những đem lại cảm giác tin cậy, những người thợ cũng sẽ cung cấp cho khách hàng gợi ý tốt nhất và tiết kiệm chi phí nhất.
 
“Khám” trước xe
Thiếu hiểu biết về “sức khỏe” của phương tiện là một trong những lý do khiến người dùng có thể bị “chặt chém” hoặc nếu không cũng tốn tiền cho việc thay thế những phụ tùng chưa thực sự “hết hạn”.
 
Để hạn chế điều đó, tốt hơn hết, mỗi người nên bỏ chút thời gian kiểm tra sơ bộ một số chi tiết. Nếu không am hiểu về máy móc có thể nhờ người có nhiều kinh nghiệm hơn để làm điều này.
 
Những bộ phận mà thợ sửa chữa hay gợi ý thay thế là xích xe, bu-gi, lốp, ắc-quy, dầu xe... Chỉ cần nắm bắt được tình trạng của chúng cũng như lịch bảo dưỡng định kỳ, chúng ta có thể tiết kiệm khoản tiền kha khá do có những chi tiết vẫn còn sử dụng được.
 
Khảo giá phụ tùng
Trước khi đem xe đi bảo dưỡng, một việc không bao giờ thừa là tham khảo giá phụ tùng trên internet để đảm bảo sự chủ động khi nhân viên dịch vụ đề nghị thay mới. Hiện nay, hầu hết cửa hàng lớn đều niêm yết giá phụ tùng. Ở những cơ sở nhỏ hơn, trước khi thợ sửa chữa tháo ra, khách hàng cần hỏi trước chi phí để so sánh, đối chiếu với thông tin đã thu thập.
 
Không nên “phó mặc” cho thợ
Không ít người có thói quen mỗi khi đem xe đến cửa hàng sữa chữa sẽ “phó mặc” cho thợ và ngồi một chỗ lướt web hay sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, cho dù không am hiểu về máy móc, thì khách hàng cũng nên quan sát để tránh trường hợp nhân viên cửa hàng làm ẩu hoặc tự ý thay thế phụ tùng, thậm chí “đánh tráo” đồ.