Những chi tiết không thể bỏ qua khi bảo dưỡng xe máy đón Tết
Thời điểm cận Tết Nguyên Đán, nhiều người thường tranh thủ đem xe máy đi “tân trang” sau một năm sử dụng liên tục. Lốp xe, ắc-quy, phanh xe... đều là những bộ phận cần được kiểm tra nhằm đem đến những chuyến du xuân an toàn, thuận lợi.
Lốp xe
Lốp xe là một trong những bộ phận cần được “chăm sóc” đầu tiên bởi chúng tiếp xúc trực tiếp với mặt đường, nếu gặp sự cố sẽ ảnh hưởng đến độ an toàn.
Khi kiểm tra, cần quan tâm đến độ mòn của lốp. Nếu phát hiện thành lốp bị phù hay gai lốp đã quá mòn, hãy thay mới càng sớm càng tốt.
Đảm bảo áp suất lốp luôn ở trạng thái phù hợp sẽ giúp xe vận hành ổn định, kéo dài tuổi thọ lốp.
Bên cạnh đó, cần kiểm tra xem bộ vành có xuất hiện các vết rỉ sét hoặc hiện tượng cong, vênh hay không. Tùy vào từng trường hợp, nhân viên bảo dưỡng sẽ có giải pháp cụ thể như ép lại mâm bị vênh hay thay mới.
Hệ thống phanh
Hệ thống phanh không thể thiếu trên mỗi chiếc xe, từ xe đạp, xe máy cho đến ôtô. Để đảm bảo an toàn, má phanh cần được thay thế khi quá mòn.
Trong quá trình hoạt động, dầu phanh có thể bị nhiễm tạp chất, làm giảm hiệu quả phanh. Do vậy, dầu phanh cũng nên thay mới sau mỗi 15.000-20.000km.
Bugi
Bugi thường có độ bền cao nhưng cũng cần được “khám bệnh” và thay thế định kỳ mỗi 10.000km. Sau thời gian dài sử dụng, đầu bugi mòn sẽ gây hiện tượng đánh lửa không đều, động cơ hụt hơi, tốn xăng.
Dầu nhớt
Dầu nhớt đóng vai trò làm mát, bôi trơn các chi tiết trên động cơ, giúp xe vận hành tốt hơn. Việc thay dầu nhớt phụ thuộc vào điều kiện vận hành của xe cũng như chất lượng của dầu.
Tại Việt Nam, do điều kiện đường sá bụi bặm, các nhà sản xuất khuyến cáo người dùng nên thay dầu cho xe theo lịch bảo dưỡng ghi trong sách hướng dẫn của từng loại phương tiện. Theo lời khuyên của một số thợ sửa chữa, xe máy cần được thay dầu sau mỗi chặng đi từ 1.500 – 2.000km.
Trường hợp người dùng không nắm được số km, cũng có thể tháo cây thăm nhớt để quan sát. Dầu màu đen nghĩa là đã đến lúc phải thay. Ngược lại, dầu có màu cam thì vẫn sử dụng tốt.
Riêng xe tay ga có hai loại dầu là dầu máy và dầu láp. Trung bình, cứ 3 lần thay dầu máy thì 1 lần thay dầu láp. Khi dầu láp khô hay nhiễm bẩn sẽ tạo ra tiếng ồn lớn, giảm hiệu quả của hệ truyền động. Nghiêm trọng hơn có thể làm vỡ láp, mất truyền động.
Lọc gió
Tác dụng của lọc gió là đảm bảo luồng không khí sạch sẽ được đưa vào khoang nhiên liệu. Lọc gió bám bẩn khiến xe chạy yếu, hao xăng. Tùy vào từng dòng xe mà nhân viên kỹ thuật sẽ thực hiện vệ sinh hay thay mới lọc gió khi cần thiết.
Nước làm mát
Hiện nay, phần lớn các dòng xe tay ga đều được trang bị hệ thống làm mát bằng chất lỏng. Trường hợp xe cạn nước làm mát sẽ dẫn đến nóng máy, nghiêm trọng hơn là vỡ lốc máy. Do vậy, cứ 10.000km, các phương tiện nên được kiểm tra và bổ sung nước làm mát một lần.
Xích xe/Dây curoa
Đối với xe số, cần kiểm tra xem xích xe có bị mòn, rỉ sét hay không. Nếu xích bị chùng, chủ xe nên nhờ thợ tăng xích, điều chỉnh lại để tiếp tục sử dụng.
Ở xe tay ga, khi dây curoa bị chùng, bề mặt tiếp xúc cả hai mặt dây có dấu hiệu nứt thì cần thay mới để đảm bảo hiệu quả truyền động.
Ắc quy
Ắc quy là nguồn cung cấp năng lượng cho các thiết bị tiêu thụ điện trên xe như đề khởi động, đèn chiếu sáng, còi... Việc kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ giúp bộ phận này bền bỉ và sử dụng được lâu hơn.
Ắc quy có tuổi thọ trung bình 2-3 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, có thể nhận biết thời điểm nên thay mới bình ắc-quy bằng cách kiểm tra hệ thống đèn, tiếng còi hay mức độ sáng của các đèn báo trên bảng điều khiển. Nếu nhận thấy âm thanh còi xe phát ra yếu hay ánh sáng đèn chập chờn khi bấm còi, đã đến lúc thay thế ắc-quy mới.