Côn xe số gặp vấn đề và cách xử lý

Xe số sau một thời gian dài sử dụng, khoảng 3 – 4 vạn km nếu không được chăm sóc thường xuyên sẽ tỏ ra ì ạch, khó tăng tốc, gào máy, rung mạnh khi tăng ga gây ra nóng máy, hao nhiên liệu. Nguyên nhân có thể do vấn đề về điện cao áp bị yếu, bu-gi đánh lửa sai tầm, căn chỉnh nhiên liệu sai (quá nhiều hoặc quá ít), lọc gió bẩn, … nhưng một nguyên nhân chính có thể do bộ côn (hay bộ ly hợp)  đã gặp vấn đề, các chi tiết phải hoạt động nhiều và nặng của bộ côn bị mòn bề mặt làm việc, giảm ma sát.

Bộ ly hợp của các loại xe số hiện nay là loại ly hợp kép, ma sát ướt (ngâm trong môi trường dầu máy), có nhiệm vụ truyền, cắt mô-men từ động cơ sang hộp số. Một bộ ly hợp hoạt động hoàn chỉnh phải có khả năng truyền hoàn toàn mô-men từ động cơ sang hộp số mà không bị trượt, khi cắt, truyền lực phải dứt khoát, chính xác để giảm thiểu va đập của các bánh răng trong hộp số.
 
Bộ côn trước thường có 3 búa côn là phần chủ động và chuông côn là phần bị động. Búa côn sử dụng bề mặt bằng chất liệu phíp tổng hợp, khi vặn ga lên thì lực ly tâm truyền từ động cơ thắng lực kéo của lò xo giữ búa côn, làm cho búa côn văng ra và phần bề mặt bằng phíp sẽ bám vào mặt trong của chuông côn làm chuông côn quay theo, truyền lực này qua côn sau.
 
Búa côn trước đang được thay thế
 
Côn sau chia thành các lá, chủ động là lá thép và lá bị động làm từ hợp kim và đc dán những miếng vật liệu tạo ma sát nhỏ, mỗi lá bị động được kẹp giữa 2 lá chủ động. Côn sau hoạt động theo cơ chế tự động, khi nhả tay ga, các lá côn giãn ra, tạo khoảng cách để giúp xe chuyển số mà không bị giật, bộ côn này truyền mô-men đến trục sơ cấp của hộp số.
 
Lá côn sau
 
Với bộ ly hợp đã sử dụng lâu, hiện tượng mòn xảy ra khi bề mặt phíp của búa côn của côn trước và lá côn của côn sau bị mòn, trơ, trượt mà không còn khả năng bám để dẫn động nữa, gây thất thoát mô-men. Xy-lanh phải hoạt động ở vòng tua cao hơn để đạt được đủ tốc độ mong muốn, dẫn đến hao xăng, rung mạnh, nóng máy và làm giảm tuổi thọ các thành phần cấu tạo xy-lanh như xéc-măng, làm hao hụt dầu, có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến cả cụm động cơ.
 
Những bộ phận của bộ ly hợp thường bị mòn do những nguyên nhân sau:
 
  • Người sử dụng lười (hoặc quên) thay dầu, dầu dùng quá lâu sẽ mất độ nhớt, giảm khả năng bôi trơn
  • Thường xuyên chở quá tải trọng khiến cho bộ ly hợp phải hoạt động vất vả hơn làm mất ma sát, các thành phần bộ ly hợp trượt lên nhau gây mài mòn nhanh hơn bình thường
  • Do sử dụng xe không đúng cách, âm côn bằng cách ghìm số để thả xe trôi tự do, ép côn để tăng tốc độ và cố tình dắt xe khi còn để số mà hoàn toàn không biết mình đang phá bộ ly hợp của xe mình.
  • Sử dụng xe số như xe ga, lỗi đi xe này phần lớn phụ nữ hay mắc phải, khi đi ở tốc độ thấp hay dừng xe không về số, điều này làm cho bộ ly hợp hoạt động vất vả hơn.
 
Bộ ly hợp đang trong quá trình sửa chữa
 
Côn xe hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao, khắc nghiệt nên yêu cầu người sử dụng dùng xe đúng cách và phải có chế độ chăm sóc định kỳ. Việc sửa điều chỉnh, sửa chữa, thay thế côn cho xe là việc hết sức bình thường. Nhiều cửa hàng sửa xe hiện nay lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng, thường nghiêm trọng hóa vấn đề rằng những công việc liên quan đến bộ ly hợp là làm máy hay bổ máy, cho nên đây trở thành công cụ tốt để thợ sửa xe kiếm tiền.
 
Nếu gặp những tình trạng trên, cách giải quyết cũng hết sức đơn giản:
 
  • Khôi phục lại bề mặt tạo ma sát của búa côn, lá côn bằng cách bằng cách dán rồi doa bề mặt phíp theo đúng kích thước tiêu chuẩn. Đây là cách rẻ tiền nhất nhưng cũng phụ thuộc vào trình độ, tay nghề của thợ và chất liệu tạo nên bề mặt phíp. Đã có nhiều trường hợp thợ làm ẩu, bề mặt phíp được gia công bằng chất liệu kém bền, chỉ sau 3 4 tháng hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao của bưởng máy làm cho bề mặt phíp này bở ra khiến xe quay trở lại tình trạng ì ạch. Cách làm này chỉ tốn khoảng 300.000 đồng. Hãy tìm hiểu, tìm kiếm những địa chỉ uy tín để làm sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí
  • Thay mới hoàn toàn búa côn, lá côn mới, hãy ra cửa hàng dịch vụ của chính hãng, yêu cầu thay búa và lá côn mới, giữ nguyên chuông côn nếu chuông côn chưa quá mòn, còn dùng được. Chi phí cho dịch vụ này tuỳ thuộc vào từng hãng xe khác nhau, có giá trung bình từ 800.000 đến hơn 1.000.000 đồng
  •  Thay mới hoàn toàn cả bộ ly hợp, cũng là một dịch vụ chính hãng như cách trên, nhưng thay cả chuông côn, với giá dịch vụ rơi vào khoảng 2.000.000 đồng và xe bạn sẽ “bốc như mới”.
 
Khôi phục lại bề mặt tạo ma sát của búa côn, lá côn bằng cách bằng cách dán rồi doa bề mặt phíp theo đúng kích thước tiêu chuẩn
 
Việc sử dụng xe đúng cách, chăm sóc sẽ đều đặn sẽ giúp bộ ly hợp và tất cả những chi tiết trong động cơ tăng tuổi thọ. Đơn giản chỉ cần sử dụng xe nhẹ nhàng, từ tốn, phối hợp nhịp nhàng ga – số đúng tốc độ, sang số dứt khoát, tạo một chút thời gian cho côn tự động cắt và vòng tua giảm xuống thấp rồi mới sang số, sẽ giúp xe bớt bị giật và côn cũng hoạt động hiệu quả hơn.
 
Thay dầu đủ, đúng hạn. Ở nhiều vùng, có điều kiện giao thông phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến độ bền của xe, thì những quy định 1500 – 2000 km mới cần thay dầu của hãng không còn đủ điều kiện áp dụng được nữa, hãy thay dầu sớm hơn, khoảng 1000 – 1500 km/lần, việc thay dầu đều đặn không chỉ giúp cho bộ ly hợp mà tất cả những chi tiết khác như đầu bò, bộ hơi, biên, hộp số hoạt động trơn tru, ăn khớp và bền bỉ./.