Xe có thể tự cháy vì xăng pha chế

Theo kết luận ban đầu của Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), khả năng tự cháy của xe gắn máy là do bình xăng ở trạng thái cạn, xăng có pha methanol (hoặc ethanol) trong điều kiện áp suất hơi thấp, nhiệt độ thấp.

TS. Huỳnh Quyền - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu, cho biết thực nghiệm về khả năng tự bốc cháy của loại xăng có pha thêm ethanol (hoặc methanol) cho thấy trong trường hợp bình xăng cạn (còn khoảng 5% so với dung tích tổng) thể tích rỗng trong bình sẽ hình thành hỗn hợp bão hòa hydrocacbon. Hỗn hợp này có thể nằm ở vùng dưới mức giới hạn trên vùng tự cháy của hỗn hợp nhiên liệu pha chế và có thể tự cháy nổ. Quá trình này thông thường xảy ra ở nhiệt độ thấp.
Theo TS Quyền, quá trình gây cháy này đã được các nghiên cứu trên thế giới công nhận. Giả thuyết này giải thích được các vụ cháy đã xảy ra ở miền Bắc khi thời tiết lạnh và cả các vụ cháy khi xe không hoạt động. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác với điều kiện môi trường VN, trung tâm cần thời gian để tạo mô hình bình chứa xăng, mức độ cạn của bình chứa, thử nghiệm thay đổi nhiệt độ, hàm lượng methanol...
TS Quyền cũng cho biết thêm, hiện nay trên thị trường tồn tại một số chất phụ gia để pha xăng có nguồn gốc không rõ ràng, được quảng cáo để tiết kiệm nhiên liệu. Trung tâm đang tiếp tục phân tích để tìm ra các chất phụ gia này là gì, có thể là nguyên nhân gây cháy hay không.
Đã thử với 13 mẫu xăng
Trước đó, TS Huỳnh Quyền cho biết trung tâm đã sử dụng phương pháp loại trừ để tìm kiếm nguyên nhân. Giải pháp là dùng 5 mẫu xăng của các công ty phân phối khác nhau tại Tp.HCM, 6 mẫu xăng do trung tâm pha trộn trong phòng thí nghiệm (giữa xăng A92 với methanol, acetone, ethanol hàm lượng thay đổi từ 10%, 20%, 30%) và hai mẫu xăng đối chứng của Petrolimex và Saigon Petro. Sau đó, trung tâm nghiên cứu các nghi vấn có thể là nguyên nhân gây cháy như rò rỉ nhiên liệu giàu methanol lên động cơ có nhiệt độ cao, pha trộn nhiều thành phần khác nhau vào xăng tạo ra phản ứng hóa học gây nổ, chập mạch dòng điện khi sử dụng xăng có hàm lượng cồn cao...
Kết quả cho thấy không có vết của sự hình thành các hợp chất peroxyde (hợp chất dễ gây cháy nổ trong điều kiện bình thường) khi pha methanol vào xăng. Do vậy, khả năng tự gây cháy khi hình thành các hợp chất tự cháy nổ ở nhiệt độ thường là không xảy ra.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã cho 13 mẫu xăng này chảy từng giọt trên chén nung bằng inox có nhiệt độ từ 100-500OC (nhằm kiểm tra khả năng tự cháy khi tiếp xúc với các nguồn nhiệt lớn mà không cần phải có tia lửa điện) thì cũng không thấy mẫu nào tự bốc cháy, kể cả ở 500oC. Kết luận từ thực nghiệm này loại trừ nguyên nhân gây cháy nổ do xăng pha methanol rò rỉ tiếp xúc với các chi tiết có nhiệt độ cao trong động cơ.
Kết quả kiểm tra cũng loại trừ nguyên nhân cháy nổ do hệ thống điện của đồng hồ báo xăng trong bình chứa. Ngoài ra, trung tâm cũng nghiên cứu và cho rằng khả năng tự cháy của nhiên liệu trong trường hợp pha ethanol (hoặc methanol) hơn 15% là không thể.
 
 
Những ý kiến trái chiều
PGS.TS Lê Hoài Đức (Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội): Khó có thể xảy ra
Nói rằng 15-30% cồn có thể tạo ra hỗn hợp khí đó (bão hòa hydrocacbon) thì nhiều nước đã sử dụng ethanol và methanol ở mức trên 15% rồi. VN không phải là nước đầu tiên sử dụng xăng pha cồn. Tuy nhiên ở nước ngoài sử dụng xăng có tỉ lệ cồn trên 15% thì họ có cải tiến về động cơ, còn khả năng chống cháy nổ cũng không có cải tiến gì.
Bản thân cồn không tự gây cháy nổ được trong điều kiện bình thường. Nếu cồn ở trong xe máy bị nóng đến 100oC cũng khó tự cháy nổ được. Trạng thái gây cháy nổ được của hỗn hợp đó phải cần 300 - 400oC với điều kiện áp suất thông thường. Chứ nói ở điều kiện bình thường tự gây cháy nổ là khó.
TS hóa học Đào Quốc Tùy (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội): Nhiệt độ thấp và áp suất thấp rất khó gây cháy
Hỗn hợp đó tự gây cháy khi bình xăng cạn và ở nhiệt độ thấp cũng là một giả thiết. Nếu đã làm thí nghiệm và tin cậy được thì có thể tập trung vào phân tích xem trong thực tế có khả năng bị như thế không. Đó là một cơ sở để tập trung vào phân tích. Tuy nhiên ở nhiệt độ thấp và áp suất thấp thì rất khó cháy. Thực tế một số xe cháy lấy được mẫu xăng thì bình xăng vẫn đầy, một số xe để tại chỗ, bình xăng đầy cũng tự cháy chứ không phải khi bình xăng cạn.
TS Bùi Hồng Dương (trưởng khoa máy tàu ĐH Giao thông vận tải TP.HCM): Gia nhiệt gây cháy là nguyên nhân xa vời
Theo tôi, kết luận nguyên nhân cháy nổ xe do liên quan đến các sự cố phát sinh nhiệt độ cao từ hệ thống điện hay động cơ là chưa hợp lý. Nếu liên quan đến các xe gắn máy sử dụng động cơ làm mát bằng dung dịch thì nghe có vẻ xa vời, vì khi quá nhiệt thì hệ thống sẽ tự động chuyển sang làm mát bằng quạt. Để cháy được, ngoài nguồn nhiệt phải có chất cháy là dầu hoặc xăng, và phải có không khí để cháy. Về vấn đề này, tôi vẫn nghiêng về giả thiết cháy xe do nhiên liệu. Vấn đề chính ở đây là phải lấy được chính xác mẫu xăng trên thị trường là gì, nếu không lấy được mẫu nguyên thủy thì không thể có kết quả chính xác.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng (phó chủ tịch Hội Ôtô và thiết bị động lực TP.HCM): Kết luận chưa thuyết phục
Kết luận vì động cơ bị quá nhiệt hoặc do hệ thống đánh lửa là chưa thuyết phục. Trong số xe bị cháy có cả Wave, Dream, SYM làm mát bằng gió. Trong trường hợp động cơ bị quá nhiệt, nó sẽ bị bó cứng và không hoạt động. Hơn nữa, ngay cả khi động cơ quá nóng, nguồn nhiệt này chưa đủ để làm cháy nhiên liệu hoặc nhựa hay cao su.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn