Xe càng hiện đại càng “gian dối”
Mức tiêu thụ nhiên liệu là một yếu tố quan trọng tác động đến quyết định mua xe của tài xế. Tuy nhiên, Hội đồng Quốc tế về Giao thông sạch (ICCT) tiết lộ kể từ năm 2001 đến nay, khoảng cách giữa con số công bố và thực tế đối với các xe tại châu Âu đã tăng lên 42%.
Uwe Tietge, một nhà nghiên cứu tại ICCT châu Âu, cũng là tác giả nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi phân tích dữ liệu trên hơn 1,1 triệu xe tại 8 quốc gia châu Âu. Tất cả đều cho thấy khoảng cách giữa con số do nhà sản xuất cung cấp và điều kiện thực tế đã đạt đến mức cao kỷ lục.”
Mức chênh lệch 42% tương đương với khoản chi phí nhiên liệu tăng thêm 400 Euro mỗi năm đối với một mẫu xe trung bình.
Ông Uwe Tietge cung cấp thêm: “Khi chúng tôi công bố nghiên cứu đầu tiên vào năm 2013, tỷ lệ chênh lệch mới ở 25%. Đến thời điểm hiện tại, con số tăng lên 39% ở xe riêng và 45% đối với xe được sử dụng bởi các doanh nghiệp.”
Theo tờ Express, các con số này có thể sẽ được cải thiện trong những năm tới nhờ phương pháp thử nghiệm mới có tên gọi Kiểm tra độ hài hòa toàn cầu của Phương tiện hạng nhẹ (WLTP). WLTP được giới thiệu kể từ tháng 9/2017 nhằm phản ánh chính xác hơn các điều kiện lái xe thực tế.
Mặc dù vậy, theo Peter Mock, giám đốc điều hành ICCT: “Ngay cả quy trình thử nghiệm mới cũng sẽ tồn tại lỗ hổng, làm khoảng cách có nguy cơ tăng trở lại trong tương lai. Do vậy, cần phải có những biện pháp hiệu quả hơn, đặc biệt việc thử nghiệm thực tế mức tiêu thụ nhiên liệu cũng như lượng phát thải CO2.”
Trong những năm gần đây, bên cạnh “cơn bão” túi khí hay bê bối gian lận khí thải, hành vi khai khống hiệu quả nhiên liệu cũng khiến không ít hãng xe trên thế giới điêu đứng. Điển hình là Mitsubishi khi nhà sản xuất Nhật Bản phải triệu hồi khoảng 625 nghìn xe trong năm 2016. Trong số đó có tới 468 nghìn xe hãng cung cấp cho Nissan. Để cứu mình, Mitsubishi đã phải bán đi 34% cổ phần.