Việc di dời trụ sở của Toyota giúp bang Texas có thêm 7,2 tỷ USD

Cách đây không lâu, Texas vẫn còn bị coi là “vùng ngoại ô bám bụi” của ngành công nghiệp ôtô với chỉ hai nhà máy nhưng nuôi dưỡng một tham vọng không nhỏ. Toyota đã làm thay đổi điều đó bằng quyết định di chuyển trụ sở. Theo các chuyên gia phân tích của Grant Thornton LLP - công ty kiểm toán có trụ sở tại Chicago, Mỹ, quyết định này có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế của bang Texas thêm một khoản tiền khổng lồ lên tới 7,2 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

Trong báo cáo được công bố hôm 12/5, các chuyên gia của Grant Thornton LLP ước tính trong số 7,2 tỷ USD này sẽ bao gồm 4,2 tỷ USD chi phí tiền lương, còn lại là các chi phí trực tiếp và gián tiếp. Ngoài ra việc tái cơ cấu hoạt động các trụ sở chính tại Mỹ của Toyota hứa hẹn sẽ giúp Texas thu được một khoản lớn từ thuế bán hàng và thuế bất động sản.
 
Tháng trước, hãng sản xuất ôtô lớn nhất thế giới có trụ sở tại thành phố Toyota, Nhật Bản, cho biết mùa hè này sẽ bắt đầu củng cố bán hàng của hãng tại Mỹ, tiếp thị, sản xuất và hoạt động của công ty ra ngoại ô thành phố  Dallas ở Plano, Texas. Theo đó, kế hoạch tái cơ cấu lại các hoạt động của hãng tại Mỹ có thể bao gồm cả việc di dời một số hoạt động tại trụ sở chính ở bang California, New York và Kentucky.
 
Grant Thornton LLP ước tính đến năm 2018, Toyota sẽ có khoảng 3.650 lao động toàn thời gian ở Plano với mức lương trung bình khoảng 104.000 USD. Plano hiện đã phê duyệt mức ưu đãi 6,75 triệu USD cho Toyota. Bên cạnh đó là một loạt các khoản ưu đãi về thuế thuê văn phòng, trụ sở. Tổng số tiền tài trợ của bang Texas cho kế hoạch di dời trụ sở này của Toyota sẽ lên đến khoảng 40 triệu USD.
 
Sản xuất xe hơi của Mỹ đang ngày càng “trôi” về phía Nam bởi chi phí thấp hơn với lực lượng lao động dồi dào, đồng thời ngày càng tiệm cận Mexico - nơi mà người lao động có mức lương thấp hơn song lại sản xuất ra một lượng xe không nhỏ đến từ Mỹ và có xu hướng ngày càng gia tăng. Lần lượt Ford Fiesta, GM, Chrysler, Nissan, Mazda, Honda và Volkswagen đều đẩy mạnh đầu tư cho nhà máy ở Mexico.
 
Mexico vốn là một thị trường có lượng tiêu thụ xe nội địa không quá lớn, vấn nạn ma túy còn gây nhiều quan ngại, song nhờ chi phí nhân công thấp (chỉ bằng 1/5 so với lao động Mỹ), nằm gần thị trường tiêu thụ số một thế giới cùng sự hăng hái của Chính phủ với hàng chục hiệp định thương mại tự do và một chiến lược xây dựng ngành công nghiệp triệt để đã biến mảnh đất của những cây xương rồng trở thành một trung tâm thực sự của làng xe hơi. George Hoffer - Giáo sư chuyên ngành tự động hóa tại Đại học Richmond - nhận định: Với những gì đang diễn ra ở Mexico, Texas sẽ rất nhanh chóng trở thành địa bàn mới của ngành công nghiệp xe hơi.
 
Toyota Motor Sales được đặt tại California từ năm 1957. Đây cũng là cơ quan chịu trách nhiệm chính về doanh số bán hàng cùng các hoạt động quảng bá, tiếp thị, phân phối cho những thương hiệu như Toyota, Lexus, Scion tại khu vực Bắc Mỹ. Số liệu của Toyota cho thấy trụ sở của hãng ở Torrance, thuộc bang California được đầu tư với mức vốn 2,3 tỷ đôla và hiện có 6.156 nhân viên đang làm việc tại đây.