Người Sài Gòn “bỡ ngỡ” với triển lãm chuyên ngành ôtô

Bước vào triển lãm chuyên ngành ôtô và công nghiệp phụ trợ đang diễn ra tại trung tâm SECC (quận 7, TP.HCM), khách tham quan ngỡ như mình lạc vào tận bên… Trung Quốc, Đài Loan khiến cho tính chất “quốc tế” của sự kiện bị bó hẹp.

Ngày 28/5, đến với ngày mở màn sân chơi thường niên Quốc tế về Ôtô, Xe máy, Xe đạp điện và Công nghiệp phụ trợ lần thứ 11 (Saigon Autotech & Accessories – SAA), khách tham quan càng thấy rõ nét sự chiếm lĩnh của các gian hàng Trung Quốc, Đài Loan, ước chiếm đến 75% trong tổng số 400 gian hàng tham dự triển lãm (đây là số liệu do ban tổ chức công bố). Số gian hàng triển lãm năm nay tăng gần gấp đôi so với năm ngoái nhưng nhìn lại thì hầu hết là của Trung Quốc, Đài Loan, bên cạnh số ít ỏi doanh nghiệp Hàn Quốc, Thái Lan…
 
Phụ tùng Thái Lan.
 
Với sự “quay lưng” của Subaru, mảng xe du lịch hoàn toàn vắng bóng. Kể cả thương hiệu xe ôtô Changan năm 2014 “bắn tiếng” tham gia SAA nhưng nay vẫn phải dè dặt dò la thái độ của người tiêu dùng Việt Nam, vốn ngày càng dị ứng trước các sản phẩm Trung Quốc. Thậm chí, không ít doanh nghiệp năm trước tham gia nhưng năm nay “một đi không trở lại”!
 
Là triển lãm chuyên ngành ôtô và phụ trợ đầu tiên diễn ra trong năm nay, SAA tạo chút “lạc quan” khi trong thời điểm khai mạc, giữa cái nắng xây xẩm của mùa hè phương Nam, cũng thu hút được một lượng khách không nhỏ, thông qua hàng dãy ôtô và xe máy ken đặc trong khu vực giữ xe rộng lớn của trung tâm triển lãm SECC. Nhưng biết chăng nhiều người trong số đó có thở dài mường tượng về triển lãm SAA những năm sau, đằng sau sự rút lui của hãng xe ôtô Nhật Bản Subaru, mà không có tín hiệu nào hứa hẹn ngày trở lại, có còn lại gì hay sẽ “đồng hóa” thành sân chơi riêng của các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan?
 
Đại diện ban tổ chức cho biết, những cam kết quốc tế khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), đã trở thành  thách thức lớn cho ngành ôtô Việt Nam lúc này là làm sao để giảm giá thành, tăng sản lượng. Bài toán này chỉ có lời giải duy nhất là xây dựng và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm ôtô, xe máy. Điều này đã được Chính phủ xác định tại Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Giai đoạn đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ôtô. Phấn đấu đáp ứng 30-40% (về giá trị) nhu cầu linh kiện, phụ tùng của sản xuất, lắp ráp xe ôtô trong nước; chế tạo được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ (nhất là cho xe khách và xe tải nhẹ); từng bước tham gia hệ thống cung ứng các linh kiện, phụ tùng trong chuỗi giá trị toàn cầu của công nghiệp ôtô thế giới. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh: “Có công nghiệp phụ trợ phát triển thì chúng ta mới hấp thu được đầu tư nước ngoài để tạo ra giá trị gia tăng. Nếu không làm được việc này, dù thu hút được vốn đầu tư nước ngoài vào nhiều, nhưng không có giá trị gia tăng thì thực chất, chúng ta chỉ gia công cho nước ngoài”. Phù hợp với chủ trương trên đây và nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp chuyên ngành, triển lãm SAA 2015 sẽ tăng cường cơ hội giao thương, phát triển thị trường, chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.
 
 
 
Thực tế là đặt chân vào sảnh chính bên trong trung tâm triển lãm, nỗi ngán ngẩm là cảm giác chính khi chứng kiến số gian hàng Việt Nam quá ít trên quy mô trưng bày gần 12.000 mét vuông, lớn hơn SAA năm ngoái với 10.000 mét vuông. Do đó, việc dự kiến 120.000 người sẽ tham quan trong bốn ngày diễn ra triển lãm (từ 28 đến 31/5) có lẽ là con số khó đạt được.
 
Chỉ còn một vài cái tên đáng chú ý như VEAM, Vinamotor, Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự, lốp xe Casumina, xích KMC, Công ty Linh phụ kiện xe máy Hai Binh Tan, Công ty Ứng dụng bản đồ Việt (Vietmap), SAPA – nhà phân phối xe tay ga Piaggio, máy rửa xe tự động Okatsune, vật liệu chống nóng cho ôtô Nano Hoàng Long, cung cấp sản phẩm chăm sóc – nâng cấp ôtô toàn diện Thiên Phong Auto, phụ tùng ôtô Autolink, thiết bị chuẩn đoán ôtô Trường Sa, đèn xe Osram, độ bodykits ôtô Hai Wit-tuning, Hoàng D1 Workshop…
 
 
 
Bên cạnh đó, thu hút sự quan tâm giữa “vòng vây” của các gian hàng xe máy, xe đạp điện Trung Quốc với hình thức nhái dễ dàng nhận thấy, là gian hàng môtô PKL của tập đoàn KR Motors (Hàn Quốc) thương hiệu Hyosung, gồm các mẫu xe có dung tích động cơ từ 250-650 phân khối.
 
 
  Môtô PKL Hyosung.
 
Triển lãm Saigon Autotech & Accessories do Công ty Hội chợ và Xúc tiến thương mại Á Châu (ATFA) phối hợp Công ty Quốc tế Chanchao tổ chức, được sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và của các bộ ngành liên quan.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn