Uber khẳng định kinh doanh hợp pháp

Trước những tranh cãi về ứng dụng taxi Uber trong thời gian qua, ngày 4/12, đại diện của Uber Đông Nam Á là Mike Brown khẳng định hãng đang thực hiện đầy đủ các quy định tại Việt Nam, đồng thời mong muốn được thảo luận với cơ quan quản lý.

 
Theo ông Mike Brown, Uber không phải một không phải một công ty kinh doanh dịch vụ taxi mà chỉ là hãng công nghệ và đã đăng ký kinh doanh với sở KH-ĐT TP.HCM trong lĩnh vực này. Uber được cấp mã số thuế và tuân thủ đầy đủ những nghĩa vụ về thuế theo quy định của pháp luật. Ông cũng nhấn mạnh Uber không thuê lái xe, cũng không sở hữu đội xe mà chỉ đơn giản là kết nối khách hàng với lái xe của các doanh nghiệp vận tải có giấy phép.
 
Uber đã xuất hiện tại TP.HCM từ tháng 7/2014 và tháng trước cũng đã chạy thử tại Hà Nội. ông Mike Brown cho biết tất cả các đối tác của hãng đều đã có đủ giấy phép kinh doanh vận tải, có kiến thức, kinh nghiệm. Hãng không ký kết với đối tác là xe cá nhân.
 
Gần đây có một số ý kiến cho rằng kinh doanh theo dịch vụ taxi Uber rất khó quản lý. Tuy nhiên, đại diện Uber cho rằng 20% số tiền khách hàng trả thuộc về Uber, nhưng 80 còn lại thuộc về các hãng vận tải và sẽ thanh toán qua thẻ tín dụng. Bởi vậy, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm soát.
 
Hơn nữa, các hành khách sử dụng dịch vụ Uber đều có bảo hiểm. Họ cũng sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về chiếc xe. Do đó, trong trường hợp có bất kỳ rủi ro nào, họ có thể liên hệ với công ty vận tải hoặc Uber Việt Nam để được giải quyết.
 
Ông Brown khẳng định Uber đem lại lợi ích cho nhiều bên. Chi phí đi lại của người dân sẽ thấp hơn và an toàn hơn. Trong khi đó, mô hình này cũng góp phần giải quyết vấn đề về đầu tư, tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường. “Chúng tôi mong muốn có cuộc gặp Bộ trưởng GTVT để giới thiệu về công nghệ, hoạt động thế nào, có ích ra sao”.
 
Mặc dù vậy, cũng trong ngày 4/12, Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội đã có Công văn số 34/2014 /HH-CV gửi Bộ GTVT, đề nghị tạm dừng hoạt động dịch vụ Taxi Uber tại Việt Nam cho đến khi nào có quy định, chế tài cụ thể đối với loại hình kinh doanh này. Bởi vậy, trong thời gian tới, “số phận” của Uber sẽ ra sao vẫn còn là một dấu hỏi lớn.