Taxi Uber Bản chất và giải pháp ở Việt Nam
Ngày 28/11, 5 xe taxi Uber tại TPHCM đã chính thức bị xử phạt vì lý do chưa được cấp phép gây khó khăn trong quản lý và làm thất thoát thuế. Theo cơ quan chức năng, hành vi này có thể bị phạt 3-4 triệu đồng. Trong khi đó đây là loại hình khá phổ biến ở nhiều nước, được người dùng thích thú vì sự tiện ích thanh toán, vẻ ngoài “sĩ diện” và chi phí thấp hơn so với Taxi truyền thống.
Taxi Uber là một loại hình dịch vụ taxi mới, thực hiện thông qua ứng dụng Uber được cài đặt trên điện thoại thông minh nhằm kết nối lái xe và khách hàng có nhu cầu về đi lại. Theo đó, hành khách chỉ cần bật ứng dụng, kết nối mạng, đăng ký hành trình, hệ thống sẽ tự kết nối và hiện ra những xe Uber nào đang ở gần khu vực đó nhất, thông báo thời gian đến điểm đón. Khi khách đồng ý chọn, kích hoạt lệnh gọi xe, lập tức những xe Uber trong hệ thống gần đó sẽ có tín hiệu gọi, trên mỗi xe Uber cũng có sẵn điện thoại thông minh để hiển thị thông tin địa điểm, số điện thoại khách. Lái xe Uber sẽ gọi cho khách để hẹn đón, đồng thời cùng lúc thông tin về xe, lái xe sắp đến đón cũng như chi phí cho chuyến đi sẽ được hiển thị trên thiết bị cầm tay của khách hàng. Khi hành trình khởi hành cũng là lúc chi phí sẽ được thanh toán qua thẻ Visa hay Mastercard. Đến điểm tới, khách chỉ việc rời khỏi xe như “ông chủ” mà chẳng cần làm gì.. ngoại trừ 1 câu cảm ơn.!
So với các dịch vụ taxi thông thường, loại hình này có giá thấp hơn. Trong đó, chủ xe được hưởng 80%, 20% còn lại thuộc về Uber. Ví dụ hành trình từ trung tâm Q1, Q4 ở TP.HCM ra sân bay nếu đi taxi thường phải trả khoảng 180.000, thì với Uber chỉ tốn khoảng 130.000. Điều hấp dẫn là xe của Uber gồm đủ cả các loại từ Innova, Altis, Camry cho tới Mercedes-Benz, BMW..vv Lái xe ăn mặc lịch sự, comple cà vạt, xe thơm tho sạch sẽ không biển Taxi.. y như xe riêng của bạn!
Vận chuyển hành khách thông qua Uber đang khá phổ biến ở một số nước trên thế giới với ưu điểm là lịch sự và tiết kiệm chi phí cho hành khách. Về bản chất Uber là một Cty chỉ sở hữu 1 trung tâm phần mềm có công nghệ quản lý theo dõi điều hành xe và thu tiền thông qua tính năng định vị GPS và liên kết ngân hàng thẻ. Toàn bộ dàn xe của Uber đa phần là xe thuê lại của 1 công ty vận tải độc lập, trả phí theo tháng trên đầu xe. Lái xe là của công ty cho thuê xe và ăn lương tháng, phục vụ khách độc lập không có giao dịch tiền. Chính vì vậy mà Uber có dàn xe rất “xịn” như xe riêng là vậy.
Mặc dù vậy, theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây thiệt hại không chỉ cho Nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh đầy đủ theo quy định của pháp luật, mà cả lái xe.
Trên thực tế, chủ xe và hành khách được kết nối qua mạng nên mối quan hệ giữa họ cũng rất “ảo”. Ông lấy dẫn chứng trường hợp hành khách mang theo hàng quốc cấm, hàng lậu trên xe. Và khi lực lượng chức năng phát hiện, dù không hề hay biết, chủ xe vẫn phải chịu trách nhiệm bởi người đó sẽ không thể chứng minh sự trong sạch không liên quan của mình.!?
Không những vậy, sự xuất hiện của Uber, dịch vụ không nằm trong phạm vi quản lý, gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã đăng ký với cơ quan Nhà nước. Theo quy định, các đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm phải nộp thuế, đồng thời chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải. Đặc biệt, họ phải đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Trong khi đó, dịch vụ Uber lại không đăng ký, nên không tuân thủ các quy định nói trên.
Một số ý kiến cho rằng dịch vụ Uber vừa thuận tiện cho người sử dụng, lại có giá rẻ hơn các dịch vụ taxi thông thường. Tuy nhiên, theo ông Ngọc, về bản chất, Uber là loại hình kinh doanh trốn thuế, lại không phải đáp ứng các quy định khắt khe về quản lý nên không thể so sánh giữa hai loại hình này. Kinh doanh vận tải qua Uber chưa được quy định tại Nghị định 91, 93 và tiến tới là nghị định 86. Không những vậy, nó còn gây nhiều khó khăn cho lực lượng kiểm soát, tuần tra, gây thất thoát nguồn thu thuế.
Kể từ khi xuất hiện vào năm 2009, dịch vụ của Uber đã có mặt trên 130 thành phố lớn ở khắp thế giới nhưng cũng là dịch vụ taxi kiểu mới đang bị “truy sát” ở nhiều nước. Ngày 28.11, Phòng Giao thông đường bộ Thái Lan tuyên bố dịch vụ Uber tại đây chính thức bị xem là loại hình kinh doanh bất hợp pháp và tài xế sẽ bị phạt nặng. Trước đó, tại Malaysia, Phòng Giao thông cũng đã cảnh báo người dân sử dụng Uber rằng họ sẽ không được bồi thường nếu xảy ra tai nạn. Và từ ngày 1.10, những tài xế xe tư nhân sử dụng Uber đưa đón khách sẽ bị phạt một khoản tiền lên đến 10.000 RM (khoảng 65 triệu đồng), thậm chí bị bỏ tù một năm.
Tại Việt Nam ngày 28/11, 5 xe taxi Uber ở TPHCM đã bị xử phạt vì lý do chưa được cấp phép gây khó khăn trong quản lý và làm thất thoát thuế. Theo cơ quan chức năng, hành vi này có thể bị phạt 3-4 triệu đồng.
Những tranh cãi về dịch vụ taxi Uber chắc chắn sẽ chưa dừng lại trong thời gian tới. Bởi về bản chất, Uber không phải đơn vị trực tiếp kinh doanh vận tải mà chỉ cung cấp dịch vụ kết nối giữa chủ xe và người có nhu cầu đi lại. Tuy nhiên đằng sau mối quan hệ này là việc thu và thanh toán phí thuê xe giữa khách và cty cho thuê xe, thông qua đó hưởng chênh lệch! Vấn đề giá rẻ có lẽ bởi Uber không phải chịu nhiều chi phí như doanh nghiệp Taxi truyền thống. Lại có lợi bởi chất lượng xe nên tăng sức cạnh tranh.
Mặc dù vậy nếu xét trên góc độ khách hàng thì đây là điều có lợi, nhưng trên quan điểm xã hội và môi trường kinh doanh chung thì có thể là điều hại,. Bởi đã có thu chi và dịch vụ thì phải đóng thuế và hoạt động kinh doanh công bằng. Tuy nhiên, nếu các nhà quản lý chưa tìm được giải pháp giám sát hữu hiệu thì ứng dụng này cũng bị cấm, bởi ở Việt Nam, dường như đã thành thông lệ, cứ không quản được thì cấm bởi đó là cách được cho là “an toàn” nhất khi đó.
Hiện tại Uber đã hoạt động tại 2 TP lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Trước tình trạng “cấm đoán”, Uber cũng đã có những ý kiến trên mạng bày tỏ được gặp gỡ thảo luận với cơ quan quản lý. Đồng thời kêu gọi các thành viên đóng góp sự ủng hộ bằng cách chia sẻ quan điểm!?