Uber bị phạt 10 triệu USD vì lơ là an toàn
Uber đã chấp nhận trả số tiền phạt 10 triệu USD để giải quyết một cuộc tranh chấp bắt đầu từ năm 2014 với cáo buộc “lơ là” vấn đề an toàn.
Uber từng tuyên bố kiểm tra lý lịch tài xế là một “tiêu chuẩn vàng” nhằm đảm bảo sự an toàn cho hành khách. Tuy nhiên, các luật sư tại San Francisco và Los Angeles cho rằng đây là một tuyên bố “sai lầm”.
Thực tế, Uber không yêu cầu dấu vân tay của các tài xế khi kiểm tra “tiền án tiền sự”. Ngược lại, hãng sử dụng một cơ sở dữ liệu về tội phạm để xác minh lý lịch những lái xe muốn tham gia dịch vụ.
Trong thời gian qua, các công tố viên phát hiện Uber đã để lọt 25 trường hợp từng là tội phạm hình sự trở thành tài xế của hãng, trong đó có tội phạm tình dục và giết người. Những người này có thể bị phát hiện thông qua kiểm tra dấu vân tay. Uber lý giải những vụ tai nạn và sự cố là điều không thể tránh khỏi và không hệ thống rà soát nào có thể đảm bảo chính xác 100%.
Khoản tiền phạt sẽ được trả với thời hạn 60 ngày, chia đều giữa các chính quyền San Francisco và Los Angeles. Đặc biệt, nếu Uber không tuân thủ các điều khoản thỏa thuận, công ty có thể mất thêm số tiền 10 triệu USD trong khoảng thời gian 2 năm
Bên cạnh đó, thay vì yêu cầu Uber thêm kiểm tra dấu vân tay vào quá trình kiểm tra, thỏa thuận buộc hãng phải ngừng sử dụng thuật ngữ “lái xe an toàn” trong bất cứ một hình thức quảng cáo nào. Một số thay đổi khác bao gồm chuyển “phí lái xe an toàn” thành “phí đăng ký”.
Ngay từ khi mới xuất hiện, Uber đã trở thành trung tâm của những cuộc tranh cãi trong dư luận, cùng với đó là một loạt vụ kiện tụng khác nhau, thậm chí Uber bị đưa vào top những doanh nghiệp dính vào kiện cáo nhiều nhất thế giới. Ở nhiều thành phố của Mỹ, taxi Uber đã bị đình chỉ hoạt động, trong khi Ý và Đức còn cấm hẳn loại hình kinh doanh này. Bên cạnh một số nguyên nhân trong đó có việc tài xế quấy rối tình dục hành khách nữ, cuối năm 2015, hãng phải đối mặt với vụ kiện “thuế và lệ phí sân bay”, liên quan đến hành vi đánh lừa khách hàng để lôi kéo họ sử dụng dịch vụ.