Truyền thông Trung Quốc cay cú Aston Martin

Aston Martin đang lấy phụ tùng “Made in China” làm vật tế cho sai lầm của mình, hãng tin quốc gia Tân hoa xã chỉ trích việc nhà sản xuất Anh ra thông báo thu hồi xe với nguyên nhân phụ tùng bị lỗi do được sản xuất bằng vật liệu kém chất lượng từ Trung Quốc.

Ngày 5/2, Aston Martin thông báo thu hồi 17.000 xe thể thao, chiếm hơn hai phần ba số xe hãng này chế tạo ra từ cuối năm 2007. Hãng ôtô thể thao hạng sang của Anh cho biết đã phát hiện nhà cung cấp phụ tùng Trung Quốc Kexiang sử dụng nhựa kém chất lượng để sản xuất cần chân ga.
 
Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này, Tổng giám đốc Shenzehn Kexiang cho biết ông còn không biết đến việc Aston Martin là một trong những khách hàng của mình.
 
Chân ga xe thể thao của Aston Martin được lắp ráp tại nhà máy ở Anh bởi công ty Precision Varionic International. Công ty này mua phụ tùng từ Fast Forward Tooling (Hong Kong), vốn ký hợp đồng mua cần đạp từ Kexiang. Đến lượt hãng Kexiang Mould Tool lại mua vật liệu từ Synthetic Plastic Raw Material đặt tại thành phố Đông Quản, Quảng Đông.
 
Trên thực tế, công ty này không phủ nhận việc sử dụng nhựa chất lượng kém mà chỉ nói rằng chưa bao giờ có hợp đồng mua bán nào được ký kết với Aston Martin. Tuy nhiên, Tân hoa xã không quan tâm đến điều này. Trong một bài viết đăng tải cuối tuần trước, hãng tin này đã cùng một số phương tiện truyền thông trong nước chỉ trích Aston Martin, cho rằng nhà sản xuất ôtô của Anh đã không nhận ra được sự yếu kém khi quản lý chuỗi cung ứng.
 
“Đợt thu hồi mới nhất của Aston Martin một lần nữa đã đẩy trách nhiệm cho các sản phẩm kém chất lượng”, bài báo viết. “Tuy nhiên, lần này, phụ tùng “made in China” chỉ là “vật tế” của nhà sản xuất ôtô”.
 
Những tin tức mang tính chỉ trích liên quan đến các công ty quốc tế về giá cả, an toàn lao động hay hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đã trở nên phổ biến trong thời gian gần đây, nhiều khi có tác động tiêu cực đến doanh thu của các hãng tại thị trường này. Một số tên tuổi lớn như Apple, Wal-Mart, KFC hay Volkswagen đều đã trở thành mục tiêu bị hướng đến.
 
Tờ Nhân dân nhật báo dẫn lời Zhang Zhiang, quản lý của Kexiang, cho biết công ty của ông này đến tháng 10/2008 mới được thành lập và dây chuyền lạc hậu, quy mô nhỏ không cho phép Kexiang nhận được những đơn hàng lớn từ các hãng như Aston Martin.
 
Nhân dân nhật báo cũng khẳng định không liên lạc được với Fast Forward theo địa chỉ đăng ký và công ty Trung Quốc mà Aston Martin cho rằng cung cấp vật liệu cho Kexiang thì không đăng ký kinh doanh.
 
Trong khi đó, hồi đầu tháng này, một quản lý của Kexiang là Zhang Ronghui thừa nhận có biết vụ thu hồi xe Aston Martin nhưng phủ nhận mọi mối liên hệ trực tiếp với công ty xe của Anh.
 
Trong một nỗ lực khác, phóng viên của Reuters đã tìm đến địa chỉ của Fast Forward theo như thông báo mà Aston Martin đưa ra và phát hiện đây thực ra là một công ty dịch vụ tư vấn luật quy mô nhỏ, có đăng ký kinh doanh nhưng không thực sự hiện hữu.
 
Quả là một ma trận mà mối liên hệ lòng vòng như Aston Martin liệt kê ra mới là phần nổi tảng băng. Aston Martin chỉ là một trong vô số nhà sản xuất chịu thiệt hại từ việc ham rẻ bỏ qua quy trình chất lượng, để cuối cùng hậu quả đổ lên vai hàng tỷ người tiêu dùng trên khắp thế giới.
 
Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho ngành ôtô Việt Nam. Mới 2 tháng trước, Ford Việt Nam phải thu hồi xe Transit vì lỗi kẹt cần gạt nước, nguyên nhân là nhà cung cấp thông qua Ford Trung Quốc không tuân thủ quy trình kỹ thuật.
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn