Toyota, GM và Ford bị điều tra hành vi thao túng giá
Ngày 4/9, cơ quan chống độc quyền Tây Ban Nha CNC cho biết đang tiến hành điều tra các hãng xe hàng đầu thế giới về hành vi ấn định giá, trong đó có cả những đại gia như Volkswagen, Renault, Peugeot, Toyota, General Motors, Nissan và Ford.
Theo Reuters, cuộc điều tra nhằm mục đích xác minh những bằng chứng cho thấy chi nhánh Tây Ban Nha của những “ông lớn” này đã thông đồng, chia sẻ thông tin thị trường nhạy cảm để tự ấn định giá xe và các hợp đồng dịch vụ, gây tổn hại đến lợi ích người tiêu dùng. Nếu chính thức bị khép tội, những thương hiệu này sẽ phải hy sinh 10% doanh thu tại thị trường Tây Ban Nha để nộp phạt.
Nissan, Ford, Toyota và Seat cho biết họ đã nhận được thông báo và hứa hẹn sẽ hợp tác chặt chẽ với nhà điều tra. Tuy nhiên, Nissan cũng khẳng định bị điều tra không đồng nghĩa với việc “có hành vi phạm tội” trong khi Renault, GM và Ford khẳng định không vi phạm các quy định về cạnh tranh công bằng.
Các hãng sản xuất xe hơi của Tây Ban Nha đang phải vật lộn để tồn tại trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế cùng tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao (trên 25%) đã tác động lên nhu cầu của người dùng. Trong tháng 7, chính phủ Tây Ban Nha đã mở rộng chương trình hỗ trợ mua xe mới với 92 triệu USD được bổ sung, sau khi chương trình đầu tiên hết hiệu lực. Nhờ vậy, những chiếc xe bán ra sẽ được giảm giá tới 2.000 euro (2.6342 USD) với 1.000 euro được chính phủ hỗ trợ.
Tuy nhiên, ngày 2/9, Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi và xe tải Tây Ban Nha (Anfac) cho biết trong tháng 8, lượng xe bán ra tại thị trường này vẫn tiếp tục giảm tới 18,3% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong thời gian gần đây, các hãng ôtô lớn trên thế giới đã không ít lần bị “sờ gáy” với các cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh và thao túng giá, đẩy giá ôtô lên cao một cách phi lý, mà điển hình gần đây nhất là động thái “quét” một loạt các thương hiệu nước ngoài nổi tiếng của các nhà quản lý Trung Quốc. Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia như Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam, Giám đốc Công ty luật Nam Hùng, vấn nạn này cũng không hề xa lạ ở Việt Nam. Thậm chí, theo ông Nam, nhiều lỗ hổng để tạo điều kiện cho hành vi chuyển giá chính là một trong những điểm hấp dẫn của Việt Nam trong việc thu hút các tập đoàn đa quốc gia, và các hãng xe hơi cũng có thể không nằm ngoài xu hướng này. Tuy nhiên, dù vấn đề chuyển giá được cập nhật khá chi tiết trong thời gian gần đây, nhưng toàn những chi tiết… chung chung, còn hãng nào đang bị nghi ngờ hoặc đã bị phát giác có hành vi “vi phạm pháp luật” thì không thấy nêu cụ thể ai cả. Để rồi nghe Bộ Công thương kêu ôtô đắt thì người dân cũng chỉ biết có vậy thôi, còn giá bị “ấn” bao nhiêu thì cũng đành phải chịu.
