Top 10 xe “ế ẩm” nhất tháng 7/2019

Danh sách 10 xe bán chậm nhất thị trường Việt tháng 7 vắng bóng Suzuki Swift và Suzuki Celerio. Nhưng việc Ford Focus và Honda Jazz bị “gọi tên” đã gây không ít bất ngờ.

 
Nếu Toyota Vios luôn chễm chệ ở ngôi đầu Top 10 xe bán chạy, thì ở chiều ngược lại, “người anh em” Toyota Alphard cũng giữ vững vị trí mẫu xe bán chậm nhất. Tuy nhiên, con số 24 chiếc trong tháng 7/2019 của Alphard đã tiến bộ đáng kể so với kết quả tháng 6/2019 với 1 xe ra khỏi đại lý. 69 chiếc là doanh số cộng dồn từ đầu năm.
 
Alphard là mẫu MPV do Toyota Việt Nam nhập khẩu nguyên chiếc với những trang bị hiện đại như cửa sổ trời toàn cảnh, màn hình giải trí cho người ngồi hàng ghế sau, dàn âm thanh cao cấp. Sức mạnh trên phương tiện đến từ động cơ 3.5L sản sinh công suất 296 mã lực đi kèm hộp số 8 cấp. Các công nghệ an toàn bao gồm cảnh báo phương tiện cắt ngang, cảnh báo điểm mù, cảnh báo đi sai làn... Dù vậy, tất cả ưu điểm trên chưa đủ để tạo sức hút cho Alphard khi giá bán xe lên đến 4 tỷ đồng, cao hơn các đối thủ Honda Odyssey (gần 2 tỷ đồng) hay Kia Sedona (1,13 tỷ đồng).
 
Vị trí thứ hai thuộc về Toyota Land Cruiser với doanh số 28 xe, tăng 1 chiếc so với tháng trước, nâng số lượng xe đến tay người dùng từ đầu năm lên 96 xe.
 
Kể từ khi chính thức có mặt trên thị trường Việt Nam năm 2000, Land Cruiser đã gây sự chú ý và được đánh giá cao ở sự ổn định cũng như khả năng vận hành mạnh mẽ. Phiên bản nâng cấp của Land Cruiser ra mắt tháng 4/2019 với một số trang bị bổ sung, nhưng giá bán lại tăng thêm 333 triệu đồng lên gần 4 tỷ đồng. Tương tự trường hợp của Alphard, giá bán quá cao cũng là rào cản lớn khiến mẫu SUV hạng sang khó tiếp cận khách hàng số đông.
 
Sự xuất hiện của Ford Focus ở trị trí thứ 3 cùng 31 xe khiến không ít người bất ngờ. Bởi đây là nhãn hiệu khá quen thuộc với khách hàng Việt. Tuy nhiên, điều này cũng dễ hiểu bởi kể từ tháng 6/2019, Ford Việt Nam chính thức dừng lắp ráp Focus tại nhà máy của hãng ở Hải Dương, dẫn đến doanh số mẫu xe “thua kém” các đối thủ như Kia Cerato hay Mazda 3.
 
 
Để “xả kho”, một số đại lý của Ford tại Hà Nội đang áp dụng chính sách giảm giá khá mạnh tay với bản thường Trend và bản cao cấp Titanium. Mức giảm dao động từ 45 triệu đồng đến 66 triệu đồng so với giá niêm yết.
 
Từng là sản phẩm được quảng cáo rầm rộ khi ra mắt, nhưng lượng tiêu thụ Honda Jazz lại không như kỳ vọng. Kết thúc 7 tháng năm 2019, Honda Việt Nam mới bán được 866 xe, riêng tháng 7 là 35 xe.  
 
Hoàn thiện Top 5 là Mitsubishi Mirage với 42 chiếc bán ra, tăng 3 bậc so với tháng 6/2019 (58 xe).
Mirage thuộc nhóm những xe có doanh số thấp nhất của Mitsubishi tại Việt Nam trong tháng 7. Tính từ đầu năm cũng chỉ có 452 xe đến tay khách hàng. Bên cạnh quà tặng phụ kiện, trong tháng 7/2019, hãng sản xuất ôtô Nhật Bản còn mạnh tay điều chỉnh giá bán lẻ Mirage từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Nhưng điều đó chưa đủ để cải thiện kết quả bán hàng của mẫu xe.
 
Một điểm đáng chú ý khác trong bảng xếp hạng là sự tiến bộ của Isuzu D-Max. Từ vị trí “á quân”, D-Max lui xuống thứ 9 nhờ 61 xe bán ra. Kể từ khi quy định mới về phí trước bạ với phân khúc bán tải có hiệu lực vào tháng 4/2019, doanh số D-Max có chiều hướng đi xuống trước áp lực cạnh tranh từ các đối thủ, đặc biệt là Ford Ranger. Tuy nhiên, với kết quả này, hãng xe Nhật có thể kỳ vọng D-Max sẽ thoát khỏi “danh sách đen” mà không mẫu xe nào muốn bị gọi tên.
 
Ngoài những mẫu xe trên, trong danh sách 10 xe “kén khách” nhất tháng 7 còn có Toyota Avanza, Kia Optima, Isuzu mu-X...
 
10 mẫu xe bán chậm nhất thị trường Việt tháng 7/2019
Đơn vị: Xe
STT
Tên xe
Doanh số tháng 7/2019
Cộng dồn 7 tháng
1
Toyota Alphard
24
69
2
Toyota Land Cruiser
28
96
3
Ford Focus
31
1.183
4
Honda Jazz
35
866
5
Mitsubishi Mirage
42
452
6
Toyota Avanza
48
424
7
Isuzu mu-X
59
333
8
Kia Optima
60
395
9
Isuzu D-Max
61
279
10
Ford Explorer
65
550