Thanh lý Saab, nợ lớn gấp 4 lần tài sản
Bản tóm lược các số liệu của Saab cho thấy rằng hiện hãng ôtô Thụy Điển nợ khoảng 1,9 tỷ USD trong khi toàn bộ tài sản chỉ được định giá tương đương 532 triệu USD.
Theo thông báo của những người được ủy nhiệm tiến hành vụ thanh lý tài sản Saab Automotive, phần lớn số nợ thuộc về Saab Automobile, một phần nhỏ thuộc về các công ty con là Saab Automobile Tools và Saab Automobile Powertrain. Cụ thể, Saab đang nợ Chính phủ Thụy Điển 388 triệu USD, nợ hãng ôtô GM 107 triệu USD, và nợ lương nhân viên là 89 triệu USD. Saab cũng còn thiếu của GM, từng sở hữu Saab từ năm 1989 đến 2010, khoản tiền 326 triệu USD trả cho các cổ đông ưu đãi.
Những người được ủy nhiệm cũng cho biết thêm rằng các cổ đông sẽ nhận được một phần tiền từ vụ thanh lý tài sản. Chính phủ Thụy Điển cũng sẽ lấy được khoản tiền bảo lãnh cho Saab. Trong khi 3.400 công nhân của hãng xe này sẽ không nhận được một đồng nào thì những ai làm việc tại nhà máy sản xuất động cơ (Saab Automobile Powertrain) có thể được trả chút ít.
GM từng cố gắng tái cấu trúc Saab không thành công và do đó đã bán lại cho tập đoàn Swedish Automobile, tên cũ là Spyker, vào năm 2010. Một năm trước, Saab đã dừng sản xuất và đến tháng 12/2011 thì nộp đơn phá sản. Từ đó đến nay, Saab loay hoay tìm cách thương thảo với những đối tác quan tâm đến các cơ sở vật chất của hãng ở Trollhattan, Thụy Điển. Theo những người được ủy nhiệm, có nói rằng có 6 hoặc 7 nhà đầu tư tiềm năng đang xem xét kế hoạch cứu Saab. Tuy nhiên tương lai của công ty ôtô có lịch sử 61 năm tuổi hiện vẫn rất mờ mịt.
Hãng xe Youngman Lotus Automobile Co, ở Triết Giang, Trung Quốc, được cho là tích cực nhất trong các nỗ lực mua lại Saab. Tuy nhiên, GM, hãng vẫn nắm bản quyền các công nghệ của Saab, đã ngăn cản thương vụ này. Cũng vì thiếu sự hợp tác của GM mà tháng 2 năm nay, quỹ đầu tư tư nhân Brightwell Holdings của Thỗ Nhĩ Kỳ đã phải rút lui. Ngoài ra, báo chí Thụy Điển còn cho biết hãng sản xuất xe tải lớn nhất Ấn Độ - Mahindra & Mahindra - cũng từng bày tỏ sự quan tâm.
Saab Automobile vốn được xuất phát từ một hãng chế tạo máy bay thành lập từ trước Thế chiến II. Chiếc xe đầu tiên của Saab ra mắt vào năm 1950.