Tesla bị kiện ở Trung Quốc vì bị xí trước thương hiệu

Hãng xe điện của Mỹ là Tesla đang dồn sức để chiếm lĩnh thị trường xe điện Trung Quốc thì gặp rắc rối bởi một vụ kiện vi phạm bản quyền thương hiệu vẫn chưa giải quyết xong.

Trước đó, hồi tháng 1, Tesla cho biết vụ tranh chấp thương hiệu với một doanh nhân Trung Quốc là Zhan Baosheng đã được giải quyết ổn thỏa. Hãng cũng bắt đầu bán xe Model S cho các khách hàng nước này từ tháng 4/2014.
 
Tuy nhiên, ngày 8/7, luật sư của ông Zhan cho biết khách hàng của mình đang kiện Tesla ra tòa, yêu cầu hãng phải ngừng tất cả hoạt động bán hàng và quảng bá tại Trung Quốc, đóng cửa các showroom cũng như bồi thường cho ông khoản tiền 23,9 triệu nhân dân tệ (tương đương 3,85 triệu USD). Được biết ông này đã bỏ ra hơn 26.000 USD để theo đuổi vụ kiện tụng.
 
Nguồn gốc của vụ kiện tụng là Zhan Baosheng, sống tại tỉnh Quảng Đông, đã đăng ký bản quyền cho thương hiệu Tesla vào năm 2006 bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung. 3 năm sau, thương hiệu ôtô Tesla ra đời và chủ yếu bán xe tại Mỹ.
 
Theo cơ Cơ quan quản lý quốc gia về công nghiệp và thương mại của Trung Quốc (SAIC), Zhan tiếp tục đăng ký bản quyền logo cho thương hiệu của mình nhưng đã bị Hội đồng phụ trách Bản quyền của SAIC bác bỏ theo yêu cầu từ hãng xe Mỹ.
 
Vào cuối năm 2012 và giữa năm 2013, Tesla từng muốn dàn xếp vụ lùm xùm bằng cách mua lại thương hiệu Tesla của cá nhân ông Zhan với giá 50.000 USD và 322.000 USD nhưng các cuộc đàm phán đều thất bại. Lý do thì hẳn đã rõ với con số gần 3,85 triệu USD mà người đàn ông Trung Quốc muốn có được sau vụ kiện.
 
Ông Zhan Baosheng cho rằng Tesla phải xin lỗi vì đã vi phạm các quyền lợi chính đáng của mình. Trong khi đó, đại diện của hãng là Simon Sproule cho biết Tesla đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn hành vi ăn cắp thương hiệu của người này. Đơn kiện không thể ngăn hãng tiếp tục hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.
 
Phiên tòa sẽ diễn ra tại một tòa án ở Bắc Kinh vào ngày 5/8 tới. Dù kết quả có thế nào thì vụ kiện tụng cũng vẫn là rắc rối khó xóa nhòa khi Tesla mới chân ướt chân ráo đặt chân vào Trung Quốc.
 
Vụ án cho thấy một trong những vấn đề “gai góc” nhất mà các hãng nước ngoài phải đối mặt ở Trung Quốc. Các công ty toàn cầu khác bao gồm Apple, Koninklijke Philips NV hay Unilever NV đều từng vướng vào những cuộc tranh chấp về thương hiệu tại nước này, khởi xướng bởi những cá nhân khôn lỏi “xí phần” tên tuổi mà chẳng có sản phẩm gì cụ thể.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn