Sân bay năng lượng mặt trời đầu tiên trong lịch sử
Sân bay quốc tế Cochin - một trong những sân bay lớn nhất Ấn Độ với diện tích của ga quốc tế lên đến gần 140.000m2 - đã trở thành sân bay đầu tiên hoạt động hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời, đánh dấu một chương mới trong lịch sử ngành hàng không.
Sân bay quốc tế Cochin chạy hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời
Để cấp đủ năng lượng cho các hoạt động tại sân bay Cochin, Ấn Độ đã đặt một nhà máy năng lượng mặt trời “khổng lồ” với công suất 12 MWp ngay bên trong sân bay có khả năng sản xuất khoảng 50.000-60.000 KWh điện mỗi ngày. Nhà máy được xây dựng từ 46.150 tấm pin năng lượng mặt trời trải rộng trên một diện tích hơn 18ha. Sân bay đã chính thức đi vào hoạt động từ hôm 18/8.
Thực tế, sân bay quốc tế Cochin đã chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời từ năm 2013 bằng việc lắp các tấm pin năng lượng mặt trời lên mái của ga quốc tế. Sau hai năm, diện tích lắp đặt các tấm pin mặt trời đã được mở rộng và đến nay sân bay đã có thể chạy hoàn toàn bằng nguồn năng lượng tái tạo này. Tuy vậy, để phòng trường hợp những ngày thời tiết u ám không có đủ nguồn ánh sáng mặt trời, sân bay vẫn trang bị thêm một hệ thống điện lưới.
Việc chuyển sang hoạt động hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời của sân bay Cochin là một bước tiến lớn trong ngành hàng không, góp phần không nhỏ vào việc giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Xét về lượng khí thải nhà kính, Ấn Độ là quốc gia lớn thứ ba trên thế giới về lượng phát thải khí carbon dioxide (CO2) với khoảng 1,4 tấn CO2 mỗi người, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ (dữ liệu vào năm 2009). Theo ước tính của các nhà khoa học, sau 25 năm, sân bay năng lượng mặt trời Cochin sẽ giảm được 300.000 tấn khí thải CO2.