Phí BOT Việt rẻ nhất: một cách tính lạ của Thứ trưởng
Để bảo vệ cho sự hợp lý trong cách tính phí BOT vốn đang gây ra những bất mãn sâu sắc của cộng đồng doanh nghiệp vận tải và người dân, ông Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã lấy ví dụ từ Trung Quốc và các nước châu Âu để minh họa.
Ảnh: VnExpress
Theo đó ông Trường cho rằng, ở Trung Quốc trung bình cứ 1 km, người dân phải đóng phí 1 NDT, còn ở các nước châu Âu là 0,5-1USD/km. Trong khi đó trung bình tại VN là 1.500đ/km, một số tuyến như Hà Nội - Hải Phòng là 2.000 đ/km đối với nhóm xe phổ thông.
Không rõ ông Trường lấy con số các nước châu Âu mất 0,5-1USD từ đâu, nhưng bất cứ ai cũng có thể tra cứu số liệu trên trang web tolls.eu để đối chiếu và so sánh đều có thể thấy, dù chất lượng cầu đường cực cao nhưng mức thu phí hầu như chỉ bằng hoặc thấp hơn Việt Nam. Cụ thể theo nhà báo Trương Anh Ngọc, hiện đang sinh sống và làm việc tại châu Âu từ nhiều năm nay cho biết, Italia là quốc gia tính phí đường cao nhất Châu Âu nhưng nếu chạy từ Roma lên đèo Brennero là biên giới giáp Áo dài gần 700 km hết chỉ 60 euro tiền đường tức, chưa đến 10 cent euro/1 km. Vậy nước Châu Âu mà Thứ trưởng nói là nước nào?
Ta cũng có thể đối chiếu sang Malaysia, nước vừa tăng mức thu phí đường cao tốc trong năm 2015 gây xôn xao dư luận nhưng họ cũng chỉ tính trung bình khoảng 4,7 ringgit/tuyến, tương đương với 27.000 đồng/tuyến đối với loại xe container. Hoặc để đi từ Kuala Lumpur đến Johor Bahru (Singapore), trên quãng đường dài hơn 350km, người dân cũng chỉ phải đóng phí 94.500 đ (đối với xe 4 chỗ). Giá xe bus cho chính lộ trình đó cũng chỉ tương đương 200 000 đồng Việt nam. Song song với những cao tốc đóng phí của họ lại luôn có những con đường không phải trả xu nào được làm bằng tiền thuế để dành cho sự lựa chọn của người dân. Chẳng giống như ở Việt Nam ta, đường cao tốc chưa xây đã sụt, mà trạm thu phí cứ giăng khắp nẻo. Thậm chí trên nhiều tuyến trạm phí được bố trí kiểu bao vây đến nỗi dân chưa kịp hưởng cái tốc độ cao đã phải chi tiền mà cũng chẳng còn đường nào mà tránh, chưa kể nhiều tuyến BOT đường "chồng" lên chính cao tốc dùng ngân sách trước dây.
Còn với quốc gia như Trung Quốc, nơi có mạng lưới cao tốc lớn nhất thế giới với quy mô đầu tư tràn lan, tạo ra sự thâm hụt khổng lồ lên ngân sách đã xoay sang hướng thu phí gọt lông cừu. Phí đường từ Bắc Kinh đến Thượng Hải mất khoảng 600NDT (trung bình khoảng 2NDT/1km; 6.800đ/km). Quả thực con số này cho thấy phí cầu đường Việt Nam không đắt bằng Trung Quốc, nhưng nó cũng cho thấy một hệ quả tương đồng của Việt Nam với quốc gia láng giềng về tình trạng “bong bóng” cầu đường. Các con đường ở quốc gia láng giềng này từ lâu đã nổi tiếng "gập ghềnh" vì "hố tử thần" đi qua "các thành phố ma"còn nổi tiếng hơn, vốn được bơm tiền để tạo nên con số tăng trưởng đáng ngờ không nâng cao được chất lượng cuộc sống cho người dân.
Ngoài phí đường kiểu "ép nhau" ra, ở ta còn đủ các loại thuế cho xe hơi tót vời, phí và thuế cho giá xăng bốc hơi cao vút vẫn gọi là "bình ổn". Lại còn thêm cả phí đường bộ vẫn được thu nhưng chưa bao giờ minh bạch được để làm gì. Hay là để "thử ngưỡng chịu đựng" của dân?!
Không ai ngây thơ đòi hỏi mình cũng phải có ngay những điều kiện như Âu, như Mỹ hay như cả mấy bạn láng giềng ASEAN. Nhưng muốn được như họ thì chí ít cũng không nên học lấy các sai lầm mà họ đã trả giá. Và không nên lấy những cái xấu cái kém cái tệ của họ để dùng làm tiêu chuẩn bao biện cho những phi lí tồn tại bao nhiêu năm qua ở ta. Cuộc lên đời giao thông bằng BOT lao xao đã mấy năm nay vẫn chưa kịp hoàn thiện xong các văn bản luật pháp để kiểm soát, quản lý, chế định. Từ quy định 70km một trạm bây giờ không ai đếm nổi 70km có một hay hai, hay là ba bốn trạm dừng xe thu tiền! Sự tham lam của các doanh nghiệp giành được các hợp đồng BOT đầy bí ẩn dường như đã vượt quá cái ngưỡng chịu đựng của cộng đồng doanh nghiệp còn lại, của người dân, của xã hội. Lòng tham này càng không bị hạn chế dưới chiêu bài "thu hồi vốn đầu tư" bất biết các "ông bà thần tay không bắt giặc" đầu tư bao nhiêu để ung dung vừa thu tiền vừa kêu lỗ nếu chưa bị thanh tra sờ gáy. Vốn làm đường đã cao lại còn đội nữa đội mãi. Không ai nghĩ đến một điều đơn giản, ăn bậy làm ẩu quá mức lắm thì rồi cũng đến lúc phá hết cả sản. Gánh của dân đã nặng lắm rồi.