Phát hành cổ phiếu cho hãng xe Trung Quốc, Peugeot mất quyền phủ quyết
Gia đình sáng lập PSA Peugeot Citroen ngày 17/2 đã đồng ý một thỏa thuận tăng vốn 4,1 tỷ USD với Dongfeng của Trung Quốc.
Hội đồng quản trị của Etablissements Peugeot Freres và chi nhánh FFP đã ký kết một kế hoạch tăng vốn, nguồn tin của Reuters cho biết. Hai công ty đã chấp thuận tất cả các đề xuất trong cuộc đàm phán với Dongfeng và chính phủ Pháp.
Trong nhiều tháng qua, giữa Peugeot và tập đoàn ôtô Dongfeng (Đông Phong) đã có nhiều cuộc đàm phán về thỏa thuận giải cứu. Theo đó, nhà sản xuất Trung Quốc và chính phủ Pháp sẽ nắm giữ 14% cổ phần của hãng xe lâu đời nhất nước Pháp. Kế hoạch dự kiến được hội đồng quản trị Peugeot thông báo vào ngày mai 19/2.
Theo đó, Peugeot sẽ phát hành thêm cổ phiếu cho Dongfeng và chính phủ Pháp với giá 7,50 euro (10,3 USD), giảm 41% so với giá đóng cửa 12,79 euro (17,5 USD) ngày 17/2, đánh dấu một cột mốc trên chặng đường hơn 100 năm kể từ khi thành lập vào năm 1810 với vai trò một nhà sản xuất công cụ và máy nghiền cà phê.
Gia đình Peugeot sẽ không còn nắm giữ 25% cổ phần và 38% quyền bỏ phiếu do sự xuất hiện của chính phủ Pháp và Dongfeng, và thiếu khoảng một phần ba số cổ phần cần thiết để đưa ra quyết định phủ quyết nếu muốn. Không những vậy, thỏa thuận còn gây chia rẽ gia đình Peugeot, đẩy Chủ tịch Thierry vào thế chống đối lại người anh em họ là Robert, cũng là người đứng đầu FFP.
Trong một lá thư gửi Robert bị rò rỉ cho truyền thông Pháp, Thierry đã đề xuất một kế hoạch thay thế để huy động vốn và bơm thêm tiền từ gia đình. Tuy nhiên, ông không giành được sự ủng hộ của hội đồng quản trị.
Một số nhà phân tích và giới đầu tư đã đặt câu hỏi về lý do đằng sau thỏa thuận kể trên và cho rằng thay vào đó, hãng nên bán bộ phận cho vay hay bộ phận sản xuất phụ tùng Faurecia.
Trong một tài liệu ngày 14/2, nhà phân tích Max Warburton của Bernstein Research cho rằng tốt hơn, PSA không tìm kiếm các giải pháp từ Trung Quốc.
Mặc dù vậy, một số thành viên của Peugeot tin rằng với nguồn tiền tăng thêm, công ty có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, thâm nhập sâu hơn vào Trung Quốc và các thị trường châu Á khác, chẳng hạn Việt Nam. Chiếc 3008 dự kiến lắp ráp ở Việt Nam trong năm nay vốn là xe chế tạo riêng cho Trung Quốc.
Với Dongfeng, việc ký kết thành công giúp họ gia nhập hội các hãng xe đồng hương tìm kiếm giải pháp nâng cấp chất lượng sản phẩm từ những tên tuổi lâu năm. Hiện tại, xe của Dongfeng hay các hãng nội địa Trung Quốc khác vẫn chưa thể xuất ra khỏi thị trường trong nước do không đạt được tiêu chuẩn cần thiết. Vài ngày trước, Wanxiang Group đã thắng đấu giá vụ mua lại hãng xe Fisker của Mỹ, vốn đã đệ đơn phá sản từ lâu. Như vậy, sau một thời gian các hãng điện tử và ôtô của Âu, Mỹ tìm cách từ chối đối tác Trung Quốc, đến nay quá trình thâu tóm lại bắt đầu khi khó khăn tiếp tục kéo dài.
Thêm một chi tiết nữa, nếu ngày mai mọi việc được công bố đúng như kể trên, châu Âu sẽ chỉ còn 2 gia đình nắm quyền sở hữu các hãng xe, đó là nhà Agnelli với Fiat và nhà Quandt với BMW.
