Ôtô lại được đặt là ngành công nghiệp chủ lực
Sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô là một trong 6 ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển, theo chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, các ngành công nghiệp chủ lực còn lại gồm: điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông - thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng
Cùng với 5 ngành trên, ngành sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô sẽ được định hướng trở thành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế. Đến năm 2020, các ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển sẽ đi đầu trong áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch gắn với đảm bảo tính hợp lý về điều kiện kinh tế của Việt Nam; giá trị sản xuất của 6 ngành này tăng tối thiểu 20% hằng năm và đóng góp tối thiểu 35% tổng giá trị sản xuất công nghiệp nói chung; đứng trong số 10 ngành có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất.
Như Sốngmới.vn đã nhiều lần phân tích, việc phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước không phụ thuộc vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp trong nước, kết quả của hơn hai thập kỷ vừa qua đã chứng minh điều đó. Điều quan trọng nhất là tạo ra thị trường ôtô đủ lớn để các doanh nghiệp muốn có phần trong đó, các vấn đề còn lại sẽ được giải quyết sau, nhanh hay chậm phụ thuộc vào khả năng điều phối tốt hay không của những người lập và thực thi chính sách.
Điều này cũng phù hợp với đề xuất gần đây của Bộ Công thương về việc điều chỉnh thuế. Trong số các phương án được đưa ra, phương án giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho xe dưới 2.0L; giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho dòng xe chiến lược, đang có vẻ nhận được nhiều sự ủng hộ.
Vài ngày trước, Chính phủ cũng đã đồng ý gia hạn thuế nhập khẩu cho Công ty Trường Hải với số tiền dự kiến tới hơn 1.200 tỷ đồng trong vòng 12 tháng tới. Việc này sẽ tạo thuận lợi cạnh tranh đáng kể cho Trường Hải. Tuy nhiên, nếu tiến hành gia hạn thuế cho chính người tiêu dùng, thậm chí giảm được thuế một cách tối đa, thị trường trở lại mốc 200 nghìn xe như đã từng đạt được là hoàn toàn trong tầm tay. Đặt giả thiết lượng tiêu thụ xe hơi trong nước có thể vươn tới mốc 500 nghìn chiếc, với một hãng như Toyota Việt Nam hiện nay, đang chiếm khoảng một phần ba thị phần, con số này tương đương với 170 nghìn chiếc bán ra mỗi năm. Khi đó, không cần phải hô hào, các khoản đầu tư và việc nội địa hoá sẽ tự đến.
Con số trên hoàn toàn không viển vông. Nên nhớ, trong 6 năm, từ 2004 đến 2009, lượng xe tiêu thụ tăng gấp 5 lần, từ 32 nghìn lên đến hơn 160 nghìn (tính gộp cả xe nhập là xấp xỉ 200 nghìn).
Tuy nhiên, chiến lược đặt ra với ngành sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô lại khá lạc quan so với thực tế. Linh kiện lắp ráp xe hơi trong nước hiện chủ yếu nhập khẩu, tỷ lệ nội địa hoá quá thấp và chỉ ở những chi tiết không quan trọng. Trong chiến lược chỉ có một điểm đáng chú ý, đó là Nhật Bản đang tăng cường hỗ trợ Việt Nam. Đây là một bước đi của người Nhật, đầu tư vào ASEAN nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Có điều, nắm lấy cơ hội này như thế nào, tiếp tục tập trung vào ôtô truyền thống hay đặt mục tiêu vào các loại xe trong tương lai, hoàn toàn phụ thuộc ở phía Việt Nam.
