Nhưng… thánh nhân lại đãi kẻ khù khờ!
Từ đầu năm 2012 căn bệnh thiếu tiền của chính phủ đã bước sang giai đoạn trầm kha, một trong số các triệu chứng dễ nhận thấy là chính sách tận thu các loại thuế và phí. Tiêu điểm của chuỗi chính sách này là thị trường ôtô, vì trong bối cảnh kinh tế kiệt quệ hiện nay, muốn nói gì thì nói, những chiếc xe hơi vẫn gắn với nhóm người... có tí tóc để nắm.
Chính sách đánh quá nhiều loại thuế và phí vào chiếc ôtô, làm đau người tiêu dùng và khiến cho doanh số bán giảm sút - tức là làm cho VAMA hẹp cửa kiếm lời. Trong khi xưa nay VAMA và chính phủ vẫn hợp tác làm ăn, kẻ tung, người hứng, o bế thị trường, thao túng giá xe để cùng ăn chia. Nay đột nhiên chính quyền có lẽ vì túng quẫn, đã đơn phương đòi khách hàng - người tiêu dùng ôtô, trả thêm tiền vô điều kiện cho mình mà không buồn nói với VAMA một tiếng.
Các triệu chứng túng quẫn của chính quyền
Tháng 1, chính sách tăng thuế trước bạ lên 20% ở Hà Nội và 15% ở TP.HCM, đồng thời tăng phí cấp biển lên 20 triệu đồng. Lấy cớ để hạn chế nạn tắc đường. Nhưng không mua ôtô mới thì người ta vẫn phải đi trên đường bằng thứ phương tiện nào đó, nếu đường sá không được mở rộng và làm mới, thì vẫn tắc... như cũ. Việc tăng thuế và phí ở Hà Nội và TP.HCM chẳng có tác dụng gì về giao thông, nhưng hậu quả thất thu ngân sách đã nhỡn tiền. Tệ hơn, động thái này lại là khởi đầu để nhiều tỉnh thành khác a dua thu thêm tiền của dân một cách vô lý, dù chả bao giờ tắc đường, kẹt xe.
Thế là đường vẫn tắc, doanh số bán ôtô giảm, biện pháp nâng thuế trước bạ và phí các loại nhằm tăng thu ngân sách bị phá sản. Nực cười như chuyện nhà hàng chưa bán được đồ uống đã lăm lăm tăng phí tiểu tiện!
Giữa tháng 2, Hà Nội quyết định xóa sổ bãi trông giữ xe ở 262 tuyến phố của 9 quận nội thành, cấm để xe dưới lòng đường ở các phố này. Mâu thuẫn và bất công ở chỗ, chính sách thu thuế đăng ký và phí cấp biển ôtô cắt cổ để rồi cấm đỗ mọi nơi và xua đuổi ôtô ra khỏi thành phố như một thứ bệnh dịch! Chưa kể trước đó còn có một đòn gió (dọa chứ không đánh) là việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cuối năm 2011 đề xuất chỉ bán ôtô cho người có chỗ để xe?!
Bộ GTVT được Chính phủ sử dụng như một cái bung xung trước mỗi đề xuất tăng thuế và phí có nhiều nguy cơ bị công chúng ném cà chua và trứng thối. Tháng 3, Bộ GTVT trình phương án thu phí bảo trì đường bộ và được thông qua. Chưa hết bàng hoàng, người ta lại thấy Bộ GTVT đề xuất thu “phí hạn chế phương tiện” và “phí ôtô vào nội đô”.
Từ ngày ông Đinh La Thăng về làm Bộ trưởng, Bộ GTVT cứ xồn xồn xía vào chuyện thuế và phí, thay đổi giờ làm, cứ như thể mắc bệnh... xã hội. Trong khi đó, họ bỏ bê chuyên môn, buông lỏng quản lý để ngành hàng hải thua lỗ hàng nghìn tỷ, cục trưởng bị truy nã hình sự... Công lộ cũ nát xuống cấp, họ không bảo trì, sửa chữa mà xoay ra làm đường mới chạy song song rồi thu phí khủng. Dân kêu phí đắt thì ra mặt khinh khỉnh kiểu bác sỹ "chê khám dịch vụ đắt thì sang cửa bảo hiểm y tế mà chờ chết!"
Thế rồi chính sách điều chỉnh giá xăng kiểu tăng 3 giảm 1, làm ngơ cho đầu nậu xăng dầu thu lãi khủng, pha xăng bẩn gây cháy xe hàng loạt, biến báo hàng tồn, chia hoa hồng đại lý kiểu lỗ mẹ lãi con... Tất cả đều cắn xé cái xe.
VAMA buộc phải phản ứng
Tác động của chính sách chẳng khác nào ném đá vào đàn gà mái mà Chính phủ và VAMA đang cùng nhau thu hoạch trứng. Doanh số của thị trường ôtô giảm liên tục hàng chục phần trăm. Trong 4 tháng đầu năm 2012, VAMA bán được hơn 24 nghìn xe các loại, giảm tới 36% so với con số gần 38 nghìn xe cùng kỳ năm ngoái. Còn tính chung toàn ngành, con số là 42%.
Tuy muộn và thụ động, VAMA cũng bắt đầu phản ứng.
Đầu tiên là “thư kiến nghị” chính phủ không áp dụng các loại phí hạn chế phương tiện và phí vào nội đô theo đề xuất của Bộ GTVT. Kết quả là Bộ GTVT trả lời chưa định áp dụng các loại phí này trong năm nay. Rồi thì ít ngày trước, tới lượt phí bảo trì đường bộ được rút lui đến đầu năm 2013 mới áp dụng.
VAMA tính rằng với chính sách kiểu này, lợi chẳng thấy đâu mà từ đầu năm đến nay ngân sách đã thất thu tới 6 nghìn tỷ đồng (tức là VAMA cũng lỗ vào lãi chừng ấy tiền). Và tính tiếp từ năm 2020 trở đi, mỗi năm chính phủ có thể mất 12 tỷ đô-la để nhập khẩu xe hơi. Nhưng VAMA cũng chẳng lấy gì ra để đảm bảo với chính phủ là cứ ăn chia như cũ, thì đến giờ G, Việt Nam không mất ngần ấy tiền. Tiền lệ cho thấy VAMA cũng lỡm chính phủ nhiều lần rồi.
VAMA yêu cầu chính phủ hạ phí trước bạ về mức 5%, không bao giờ thu phí hạn chế phương tiện nữa, và giảm các loại thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp. VAMA cam đoan là nếu làm theo các đề xuất trên, thị trường sẽ lập tức trở lại mức tăng 5-10%. Lô-gic kinh doanh của VAMA thật rành mạch và sáng tạo, tăng thuế mà không ăn thì giảm thuế chắc chắn phải ăn! Tuy nhiên, lời mời gọi chia tiền mặt quả là hấp dẫn, nhất là trong bối cảnh chính phủ đang phải o bế “đàn con nghiện” như Vinashin, Vinalines...
Dù VAMA đã tỏ thái độ rất bức xúc và đưa ra các đóng góp đầy tha thiết, nhưng trên thực tế phải nhận thấy rằng VAMA đã tính đến chuyện bỏ đi. Máy móc, nhà xưởng, dây chuyền lắp ráp cũ kỹ đã hết khấu hao, vốn và lợi nhuận khủng đã ẵm về nước, hệ thống đại lý và dịch vụ đã reo rắc khắp nơi, thông tư phân phối độc quyền đã giành được... VAMA còn sản xuất làm gì cho mệt? Cứ nhập xe về rồi cùng nhau làm giá bán lãi gấp đôi ba lần (dân Việt quen mua xe đắt rồi) có sướng không?!
Từ mấy năm nay, VAMA lúc nào cũng rên rỉ chính sách làm nguội lạnh, teo tóp thị trường, nhưng chính họ cũng đang "rút củi đáy nồi". Chẳng phải cứ hết vòng đời 1 mẫu xe lắp ráp tại Việt Nam là các thành viên VAMA lại thay bằng 1 mẫu xe nhập khẩu đó sao?
Đã đến nước này, cũng chẳng còn ai mơ mộng về ngành công nghiệp sản xuất ôtô làm gì nữa cho mất công. Vì nếu muốn điều đó xảy ra trong tương lai, nền móng của nó đã phải xây dựng vững chắc trong 2 thập kỷ vừa qua, khi VAMA được chính sách chăm bẵm, o bế đủ điều.
Thánh nhân đãi kẻ khù khờ
Trong cái rủi lại có cái may. Xét trên xu hướng phát triển công nghệ và thay đổi tư duy về phương tiện hiện nay, giả sử ngay lúc này, lịch sử cùng VAMA chế biến được một ngành công nghiệp ôtô Việt Nam quy mô đầy đủ, chắc gì đã hay?
Vì trong trung và dài hạn, chính ngành công nghiệp ôtô hoành tráng, với tư duy truyền thống của các nước phát triển cũng đang đi vào bế tắc. Chẳng phải suốt hai chục năm qua họ đã âm thầm biến nước Trung Quốc thành vựa rác thải công nghiệp đó sao? Điều gì khiến họ chuyển hết máy móc, dây chuyền sản xuất, thị trường ôtô truyền thống... những thứ sẽ trở thành rác công nghiệp trong tương lai gần, vào Trung Hoa lục địa, rồi lại dựng lên những hàng rào kỹ thuật kín mít chặn không cho xe Trung Quốc xuất ngược trở ra, bắt 1/4 dân số thế giới tự vật lộn với gánh nặng môi trường đó?
Bởi vậy tuy ta thèm được như Trung Quốc, nhưng muốn học theo Tàu thì rất khó, mà dẫu có học được thì nước Việt cũng chỉ trở thành một bồ rác bé hơn mà thôi. Cả thế giới phát triển đang hùa nhau chơi hội đồng Trung Quốc, cho nên việc không học được cách làm ôtô của quốc gia quá đông dân này, âu cũng là cái may cho nền công nghiệp nước nhà. Phải chăng “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”...