Ngắm lại chiếc Rolls-Royce ‘bespoke’ duy nhất tại Việt Nam

Cho tới nay, chiếc Phantom màu xanh lục, được làm thủ tục thông quan tại sân bay Tân Sơn Nhất hồi đầu năm 2008, vẫn là chiếc Rolls-Rocye chính hãng duy nhất tại Việt Nam.

Bespoke, dịch nôm na là trào lưu thời trang theo phong cách độc bản. Nó không chỉ gói gọn trong việc thiết kế trang phục theo lối riêng, mà còn ở việc bài trí một không gian không lặp lại ở bất kỳ đâu, hay đặt mua một chiếc xe với những đặc điểm chưa từng có. Ở Việt Nam, bespoke được biết đến phổ thông nhất nhờ gắn với cái tên Rolls-Royce, mà thường được gọi một cách khá thô là cá tính hóa, cá nhân hóa.
                 
Đương nhiên, xe đặt làm riêng thì phải mang sở thích của chủ nhân, nhưng không phải mọi ý tưởng đều được chiều chuộng một cách vô lối. Bởi khách hàng đặt mua xe Rolls-Royce hầu hết đã có gu thẩm mỹ riêng, hoặc nếu không, họ sẽ được định hướng một cách “vô thức” với vô số lựa chọn mà hãng xe Anh đưa ra, cũng như luôn có các chuyên gia tư vấn với những lời khuyên phù hợp.
 
Cho đến nay, tại Việt Nam, chiếc Phantom EWB (Extended Wheel-base, hay phiên bản có trục cơ sở kéo dài) của nữ doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp vẫn là chiếc Rolls-Royce duy nhất được đặt hàng từ chính hãng, dù theo thống kê của Regal Motor Cars, nhà phân phối xe Rolls-Royce tại Việt Nam, hiện ở trong nước có trên 100 xe Rolls-Royce khác nhau.
 
Bài viết về chiếc xe này và bài phỏng vấn bà Diệp đã được đăng tải chi tiết trên tạp chí ÔtôXeMáy Việt Nam số tháng 3/2008 và Xe&Đờisống số tháng 3/2008. Nhân dịp Rolls-Royce mở đại lý tại Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu lại những điểm độc đáo của chiếc xe mà nhờ đó bà Diệp đã trở nên nổi tiếng trên báo chí một thời.
 
Từ nước sơn diệp lục đến gỗ ốp khắc tên
 
Ấn tượng đầu tiên chính là màu sơn của xe, màu diệp lục gợi đến tên của chủ nhân. Thực tế, ngoài màu xanh lục (nửa dưới thân xe), chiếc xe còn có tông màu xám bạc phủ trên vòm mui, nắp khoang hành lý và phần giữa ca-pô. Khi ánh sáng thay đổi cũng như khi đổi góc nhìn, màu sơn này lại chuyển sang một tông khác rất lạ. Thông thường, với các xe Phantom, Rolls-Royce chỉ đưa ra 13 màu sơn tiêu chuẩn nhưng thực tế khách hàng có thể chọn giữa 44.000 màu khác nhau. Vì vậy, mặc dù người mua có thể sáng tạo ra tông màu riêng, nhưng đây quả là một nhiệm vụ quá khó.
 
Tấm gỗ ốp trước mặt người ngồi bên sau khi nhập về Việt Nam mới được gắn tên bà Diệp.
 
Lựa chọn kiểu sơn 2 tông màu cũng có chi phí cao hơn so với sơn tuyền một màu. Đường coachline trên chiếc Phantom này là hai đường kẻ trắng mờ chạy song song suốt chiều dài xe. Trông thì đơn giản, nhưng tại nhà máy Rolls-Royce chỉ có duy nhất một người có thể kẻ được đường này một nét liên tục. Và đường coachline đôi cũng có giá trị gấp đôi. Với một số khách hàng khác, đó có thể là các đường với họa tiết riêng. Chẳng hạn, một nhà sản xuất rượu nho đã đặt một đường coachline được tạo bởi toàn những trái nho căng mịn.
 
Ở phần ngoại thất, ngoài màu sơn, bà Diệp còn yêu cầu hãng xe nước Anh bố trí hai ống xả nhô ra ngoài nhiều hơn so với nguyên bản. Theo bà điều đó khiến chiếc xe có vẻ thể thao hơn. Ý tưởng của bà Diệp khá độc đáo, vì Phantom không phải là dòng xe mang phong cách phóng khoáng, thậm chí, đó là thiết kế nặng nề, vuông vức, đồ sộ với chiều dài lên đến 6,08m.
 
Với chiều dài như trên, không có gì ngạc nhiên khi ca-bin xe rất rộng rãi, đến mức một người cao khoảng 1,7m ngồi duỗi thẳng chân cũng không thể chạm mũi giày vào hàng ghế trước. Với khoảng cách này, màn hình LCD 12 inch lắp sau lưng ghế trước rất vừa tầm mắt. Gần như không thể tìm thấy vật liệu phủ sơn hoặc nhựa ở nội thất xe, bởi toàn bộ bên trong được bọc da cao cấp và gỗ óc chó. Điều này thì ai cũng biết. Nhưng điểm khác trên chiếc Phantom diệp lục này là ở tấm gỗ ốp bên phải táp-lô có khắc tên của bà Diệp bên cạnh chữ “Phantom”. Trong buổi ra mắt đại lý đầu tiên ở Hà Nội vào tháng 6, đại diện Regal Motor Cars, nếu khách hàng muốn dùng gỗ lấy từ cây trồng ở vườn nhà mình cũng sẽ được đáp ứng..
 
Giữa hai ghế sau có một ngăn chứa rượu kèm một bộ ly. Cũng nằm trong khu vực giữa hai ghế nhưng ở vị trí cao nhất lại là một chiếc hộp khác mà theo bà Diệp đó chính là nơi dùng để đựng xì-gà. Thảm lót sàn bằng lông thú mịn màng và đặc biệt là cũng có màu xanh lục như thân xe. Khi giới thiệu chiếc xe với chúng tôi, bà Diệp lật tấm thảm để lộ ra một giá để chân gập phẳng xuống sàn. Ngoài ra, bà còn đặt thêm hai bục gác chân rời hình chiếc nêm bọc da, được cất ở ngăn hành lý rộng thênh thang khi không cần đến.
 
 
Tiền thuế 13 tỷ đồng
 
Thời gian đặt xe kéo dài từ tháng 8 đến cuối tháng 12/2007 là vì bà Diệp còn yêu cầu nhà sản xuất gắn thêm rất nhiều chi tiết theo ý muốn riêng như logo của công ty gắn trên xe hay biểu tượng Spirit of Ectasy trên chiếc xe này được làm bằng vàng ròng. Theo bà Diệp, đích thân chuyên gia của Rolls-Royce mang biểu tượng này cùng với tấm gỗ ốp tên bà từ Anh sang để lắp vào xe, sau khi chiếc Phantom EWB đã được nhập về Việt Nam.
 
EWB là phiên bản mở rộng khoảng cách trục cơ sở nên đắt hơn Phantom thường (dài 5,8m) khoảng 50.000USD. Chiếc xe của bà Diệp sử dụng động cơ V12, dung tích 6,75 lít. Tại thời điểm bà Dương Thị Bạch Diệp đặt hàng, mức thuế nhập khẩu xe mới nguyên chiếc là 80%, nên chi phí mua xe lúc đó ước tính khoảng 1,5 triệu USD. Tuy nhiên, chiếc xe về đến Tân Sơn Nhất ngày 29/1/2008, lúc đó thuế nhập khẩu đã giảm từ 80% xuống còn 60%. Tính tổng cộng tiền thuế nhập khẩu (297.816USD), 50% thuế tiêu thụ đặc biệt (397.088USD) và 10% thuế VAT (119.126USD), chiếc xe có giá hơn 1,3 triệu USD, hay hơn 21 tỷ đồng, trong đó giá xe chừng 8 tỷ đồng, còn lại 13 tỷ đồng tiền thuế. Đó là chưa kể các khoản tiền khác như 10.000USD tiền vận chuyển bằng máy bay hay thuế trước bạ khi đi đăng ký.
 
Theo ông Paul Harris, Giám đốc Rolls-Royce châu Á Thái Bình Dương, hãng không bao giờ tiết lộ danh tính của những khách hàng đặt mua xe. Nhưng cũng có nhiều trường hợp, chiếc xe đã khiến chủ nhân của nó trở nên nổi tiếng vượt xa dự kiến. Đã 6 năm trôi qua, nhưng đến nay, chiếc Phantom EWB màu xanh lục vẫn đắt nhất Việt Nam.
 
 
 
 
 
 
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn