Nga: Các hãng xe “bơ vơ” trong cuộc khủng hoảng đồng Rúp

Đồng Rúp giảm mạnh đã đẩy các hãng xe ở Nga rơi vào tình cảnh “khốn khó”, tăng chi phí phụ tùng nhập khẩu, buộc họ phải tăng giá bán sản phẩm trong nước, trong khi sức cạnh tranh trên toàn cầu ngày càng yếu.

thị trường ô tô Nga
 
Sau một thập kỷ với mức tăng trưởng hàng năm đạt hơn 10%, ngành công nghiệp ô tô Nga đang trở thành một “nạn nhân” cuộc khủng hoảng kinh tế do giá dầu sụt giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine.
 
Lượng tiêu thụ xe trong nước đã giảm một nửa so với thời kỳ đỉnh cao năm 2012-2013. Nga từng vượt Đức trở thành thị trường xe hơi lớn nhất châu Âu  và đứng thứ 8 trên thế giới. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nước này đã tụt xuống thứ 5 tại châu Âu và thứ 12 trên toàn cầu.
 
Đồng Rúp mất giá làm tăng gấp đôi chi phí sản xuất của các hãng xe hơi ở Nga bởi họ lệ thuộc quá nhiều vào phụ tùng nhập khẩu và thường phải trả bằng những đồng tiền mạnh như USD và Euro. Vào thời điểm 2012-2013, đồng Rúp được giao dịch quanh mức 30Rup/USD, trong khi ở thời điểm hiện tại là 65Rup/USD.
 
Bởi vậy, các hãng xe buộc phải tăng giá bán như một hệ quả tất yếu. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một động thái “tuyệt vọng” khi nền kinh tế đã sụt giảm tới 4,6% trong quý II/2015. Các công ty đều cắt giảm nhân sự và tiền lương, trong khi lạm phát giá lương thực tăng lên mức trên 20%. Hầu như người dân không còn mặn mà với những món hàng đắt tiền trong đó có xe hơi.
 
Kể từ đầu tháng 7, đồng Rup đã giảm 5% so với USD và đang được giao dịch ở mức gần thấp nhất trong vòng 6 tháng, nguy cơ đà tăng giá sẽ vẫn  tiếp diễn, trong khi hoạt động bán hàng ngày càng “ảm đạm”.
 
Nhà phân tích Vladimir Bespalov của VTB Capital nhận định: “Nếu đồng Rúp giữ ở mức hiện tại cho đến cuối năm, thị trường sẽ giảm khoảng 28-30%. Đổi lại, nếu đồng Rúp tiếp tục mất giá, mức giảm có thể vào 35%”.
 
Không chỉ lâm vào tình cảnh “bơ vơ” ở thị trường nội địa, các hãng xe ở Nga cũng đang gặp khó ở các thị trường nước ngoài. Thông thường, đồng nội tệ suy yếu sẽ có lợi cho hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, việc các công ty tại đây lệ thuộc vào phụ tùng nước ngoài đã khiến họ mất sức cạnh tranh so với các đối thủ từ Nhật Bản và Hàn Quốc với phần lớn phụ tùng được sản xuất tại quê nhà. Tính trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu ô tô của Nga đã giảm 27% xuống 49.000 phương tiện.
 
Trong bối cảnh đó, các nhà chức trách đã đưa ra các ưu đãi để khuyến khích các hãng xe bắt đầu sản xuất phụ tùng trong nước nhưng những bộ phận tiên tiến và đắt tiền nhất như thiết bị điện tử, động cơ…vẫn phải nhập khẩu.