Hồ sơ vi phạm GTĐB: Bộ GTVT dẫm vào chân Bộ Công An
Hiện nay, cả Bộ GTVT và Bộ Công An (BCA) đều xây dựng và quản lý hồ sơ vi phạm Luật GTĐB của các lái xe theo cách riêng. Điều này thể hiện tình trạng quản lý nhà nước chồng chéo, thiếu hiệu quả, không đồng bộ, dẫn đến lãng phí tiền bạc và thời gian, đồng thời tạo nên những lỗ hổng trách nhiệm trớ trêu. Các bộ, đặc biệt là Bộ GTVT, không thể độc lập giải quyết hiện trạng này.
Tổng cục Đường bộ (TCĐB - Bộ GTVT) cho biết đầu năm 2013 sẽ triển khai cấp giấy phép lái xe (GPLX) mới, nhưng một trong những mục tiêu của đề án này là kiểm soát và lập hồ sơ vi phạm Luật GTĐB dạng kỹ thuật số có thể khó trở thành hiện thực, vì BCA cũng có một hệ thống phần mềm quản lý riêng của mình.
Theo TCĐB, đề án cấp GPLX mới đã được chuẩn bị từ cả chục năm nay với chi phí dự tính lên tới hàng trăm tỷ. GPLX mới được làm bằng nhựa PET cùng công nghệ màng dán bảo mật, mực in chuyên dụng, chữ ký số... nên tính bảo mật, chống làm giả rất cao. GPLX mới đang được cấp ở hơn 20 tỉnh, thành phố, dự kiến tháng 7/2013 sẽ áp dụng trên toàn quốc.
Theo ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện người lái - TCĐB, với việc quản lý thông tin bằng kỹ thuật số, người dân có thể xin cấp đổi GPLX ở bất cứ đâu. Thời gian xin cấp đổi cũng nhanh hơn, chỉ còn khoảng 3 - 5 ngày. Trên mỗi GPLX mới có một dãy số, từ 1/7/2012 người dân có thể vào trang thông tin về GPLX để tra cứu. Thậm chí, có thể dùng điện thoại nhắn tin về trung tâm thông tin để biết GPLX đó là giả hay thật, hạng gì, số seri, ngày hết hạn, hồ sơ vi phạm (nếu có)... của GPLX đó.
Chỉ trong năm 2011, C67 đã điều tra, phát hiện, xử lý trên 3.400 trường hợp sử dụng GPLX giả, trong đó có hơn 1.800 GPLX ôtô, 1.600 GPLX gắn máy. Đó là chưa kể rất nhiều trường hợp vi phạm bị CSGT tạm giữ GPLX nhưng tài xế đã làm hồ sơ gian dối, báo mất GPLX để được cấp đổi mới.
Thanh Niên
|
Theo ông Quân, sau khi tuần tra, xử lý vi phạm giao thông trên đường, CSGT các địa phương phải truy cập vào phần mềm do TCĐB xây dựng để tra cứu và cập nhật lỗi vi phạm của lái xe. Hồ sơ vi phạm này giống như các “tiền sự”, cơ quan quản lý có thể dựa vào đó để đưa ra các điều kiện khi thu hồi, cấp lại, đổi GPLX theo định kỳ. Đương nhiên, hồ sơ vi phạm kỹ thuật số cũng giúp phát hiện nhanh chóng những lái xe đang bị tạm giữ GPLX nhưng lại cố tình khai báo mất để được cấp lại hoặc các trường hợp sở hữu hơn một GPLX.
Tuy nhiên, thượng tá Nguyễn Kim Hải, Trưởng phòng Tuần tra - Kiểm soát giao thông, Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67) cho biết việc thực hiện không dễ như TCĐB mô tả. “Việc kiểm tra ngay thông tin GPLX giả - thật sẽ vô cùng khó khăn. Thông tin về GPLX cũ vẫn chưa được cập nhật lên mạng trong khi TCĐB chỉ cấp cho lực lượng CSGT mỗi tỉnh (cả nước hiện có khoảng 1,5 vạn CSGT) 2-3 tấm kính soi giải mã thông tin GPLX để phát hiện thật - giả thì sẽ khó thực hiện”, ông Hải nói.
Thượng tá Hải cho biết thêm, trước năm 2010, BCA đã thí điểm việc kiểm soát vi phạm của lái xe ở 3 tỉnh. Sau khi tổng kết và thấy hiệu quả, Bộ đã phê duyệt thực hiện đề án hồ sơ điện tử kiểm soát vi phạm giao thông để triển khai trên toàn quốc. Một công ty viễn thông đã được thuê để xây dựng hệ thống mạng quản lý vi phạm giao thông của lái xe, đặt tại C67. “Đến nay đề án đang trong giai đoạn hoàn thành. Sau khi đưa vào sử dụng, mọi vi phạm của lái xe sau khi bị lập biên bản, xử phạt sẽ được lực lượng CSGT cập nhật vào hệ thống. CSGT cũng được trang bị điện thoại, sử dụng mạng nội bộ để kiểm tra thông tin GPLX, GPLX giả - thật ngay trên đường”, ông Hải nói.
Như vậy, trong khi BCA đã gần hoàn tất đề án quản lý vi phạm giao thông bằng kỹ thuật số thì chương trình cấp GPLX mới do TCĐB xây dựng cũng đặt ra mục tiêu giám sát vi phạm giao thông theo cách tương tự. Tức là, hai bộ đang “dẫm lên chân nhau”, thừa sự lãng phí và thiếu sự phối hợp đồng bộ. Nhận xét về hiện trạng này, thượng tá Hải cho biết Bộ GTVT có thẩm quyền đào tạo, sát hạch GPLX, còn BCA xử phạt, quản lý lỗi vi phạm. Để lực lượng CSGT trên toàn quốc cập nhật, tra cứu thông tin một cách dễ dàng trên phần mềm do TCĐB quản lý là điều không thể, ông Hải nói “Họ sẽ không thể để chúng tôi can thiệp vào sâu trong hệ thống để kiểm soát thông tin. Như thế sẽ rất khó cho mục tiêu kiểm soát vi phạm lái xe của ngành công an”.
Những diễn biến thời sự gần đây cho thấy Bộ GTVT đang ra sức thâu tóm quyền kiểm soát và gây sức ép lên các lĩnh vực liên quan đến giao thông, phương tiện, chi phí sử dụng phương tiện và khai thác hạ tầng giao thông... Trong khi đó, Bộ này còn gặp phải hàng loạt vấn đề ở hầu hết các mảng còn lại của ngành GTVT như hàng hải, đường sắt, hàng không, hạ tầng giao thông đường bộ, tổ chức giao thông công cộng...
Rõ ràng, chỉ xét một ví dụ rất nhỏ về mẫu GPLX song ngữ mới với hàng loạt lỗi ấu trĩ về tiếng Anh và bố cục, người ta có thể thấy rằng, nếu để Bộ GTVT tiếp tục chủ trì dự án cấp GPLX mới và lập hồ sơ vi phạm Luật GTĐB kỹ thuật số như hiện nay thì sẽ còn vô số lỗi không đáng có bên cạnh những bất cập tiềm tàng và còn tiếp tục phát sinh.
Hiện nay, dự án lập hồ sơ vi phạm Luật GTĐB kỹ thuật số cho các chủ GPLX do BCA tiến hành đã gần hoàn thành, cho nên Bộ GTVT sẽ không thể đơn phương áp đặt “luật chơi” (còn lâu mới xong) của riêng mình mà cần tích hợp mô-đun của BCA vào dự án cấp mới và quản lý GPLX. Chừng nào hai bộ này còn chưa tìm được tiếng nói chung và thống nhất phần mềm quản lý cấp GPLX cùng hồ sơ vi phạm giao thông, hiện trạng quản lý chồng chéo, điều hành lộn xộn, phiền nhiễu công dân và lãng phí nguồn lực đất nước sẽ còn tiếp diễn.