Hà Nội sắp có xe bus nhanh

Giữa tháng 12/2016, tuyến xe bus nhanh BRT sẽ chính thức đi vào hoạt động tại Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông.

Hà Nội sắp có xe bus nhanh
Ảnh: VTV
 
Dự kiến, lộ trình tuyến xe bus khởi đầu từ bến xe Kim Mã, đi qua các con phố Giảng Võ, Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - trục phía bắc quận Hà Đông - Lê Trọng Tấn - Trần Phú - Ba La  và điểm dừng ở bến xe Yên Nghĩa. Tổng chiều dài tuyến đường gần 15km. Xe có sức chứa 90 hành khách với 21 điểm chờ, tần suất 3 phút/chuyến.
 
Hà Nội sắp có xe bus nhanh 1
 
Hiện tại, các nhà chờ cũng đang được sửa chữa, bảo trì, lắp đặt thêm thiết bị để sẵn sàng đi vào hoạt động. Trong khi đó, các xe bus BRT đã được chuyển đến bến xe Yên Nghĩa - Hà Đông.
 
Hà Nội sắp có xe bus nhanh 2
 
Hà Nội sắp có xe bus nhanh 5
 
Nhìn từ bên ngoài, điểm khác biệt của xe bus nhanh BRT với xe bus truyền thống nằm ở lớp sơn với các màu chủ đạo là trắng, xanh dương và xanh lá cây. Chiều dài xe cũng “nhỉnh” hơn. Các xe BRT được bố trí với 4 cửa ra vào, tốc độ di chuyển khoảng 22 km/h. Nội thất thiết kế gọn gàng, khoang lái có cửa riêng, đảm bảo an toàn cho tài xế khi vận hành phương tiện. Biểu tượng HANOI BRT in ngoài thân xe, phần cửa lên xuống có bệ để chân cao 0,5m. Đặc biệt, phương tiện đi kèm hệ thống GPS kết nối với trung tâm để khắc phục sự cố phát sinh trên đường.
 
Hà Nội sắp có xe bus nhanh 3
 
Ông Nguyễn Công Nhật - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội - cho biết: Công ty đang tập trung và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa tuyến BRT đầu tiên của thành phố vào hoạt động theo kế hoạch. Dù vậy, ông Nguyễn Công Nhật cũng cho rằng: Đây chưa phải xe bus BRT đúng nghĩa vì chúng chưa có làn đường dành riêng, chỉ có thể gọi là “xe bus ưu tiên”.
 
Hà Nội sắp có xe bus nhanh 4
 
Trong thời gian qua, nhằm giải bài toán ùn tắc giao thông, một số thành phố lớn mà điển hình là Hà Nội bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến phát triển giao thông công cộng song song với lộ trình cấm phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, trước thực tế hành trình của các tuyến xe bus liên tục bị kéo dài do phải đi qua những khu vực giao thông đông đúc, sự xuất hiện của công trình xây dựng khiến làn đường bị thu hẹp. Vì thế, để đạt được mục tiêu đề ra trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân,  giới chuyên gia và cơ quan quản lý đều thừa nhận đó không phải việc dễ dàng.